Trung lập là gì?

Các quốc gia châu Âu đã tiến tới quy chế trung lập theo nhiều cách khác nhau. Quá trình đó có thể dễ dàng được thực hiện nhờ yếu tố địa lý nhưng đôi khi là do sự ép buộc bên ngoài.

Vòng đàm phán trong tuần này mang lại hy vọng về một lối thoát khả thi cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo một quan chức của văn phòng tổng thống Ukraine, các cuộc thảo luận đang tập trung vào việc xác định biên giới với vùng ly khai ở miền Đông Ukraine và liệu quân đội Nga có ở lại đây sau khi kết thúc xung đột hay không.

Ukraine cũng muốn có ít nhất một cường quốc hạt nhân phương Tây tham gia đàm phán, và một văn bản ràng buộc pháp lý để đảm bảo an ninh. Đổi lại, Ukraine sẵn sàng thảo luận về tình trạng trung lập, quan chức này nói với AP.

Trước đó, vào ngày 16/3, trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cũng cho biết Ukraine đang đề xuất trở thành một quốc gia phi quân sự kiểu Áo hoặc Thụy Điển, theo TASS.

Điều này dấy lên hi vọng đạt tiếng nói chung giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng ngay cả khi thỏa thuận về tính trung lập được ký kết, không có gì đảm bảo nó sẽ được duy trì.

 Đường phố ở Mariupol, Ukraine, bị hư hại do pháo kích vào ngày 10/3. Ảnh: AP.

Đường phố ở Mariupol, Ukraine, bị hư hại do pháo kích vào ngày 10/3. Ảnh: AP.

Sự trung lập là gì?

Một quốc gia trung lập sẽ không chọn bên, tránh xa các liên minh ràng buộc và cố gắng tránh các cuộc xung đột, nhưng họ cũng có giới hạn nhất định.

Các quốc gia tiêu biểu đã lựa chọn con đường này là Thụy Sĩ, Áo, Thụy Điển, Phần Lan và Ireland. Bỉ cũng từng là một đất nước trung lập về quân sự, nhưng sau đó đã gia nhập NATO.

Thụy Sĩ đã tạo dựng tiếng vang với tư cách là biểu tượng hàng đầu của sự trung lập. Họ từ chối gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và chỉ gia nhập Liên Hợp Quốc cách đây 20 năm.

Tuy nhiên, các quốc gia trung lập đôi khi vẫn có những ngoại lệ nhất định. Thụy Sĩ đã tuân theo các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga sau cuộc tấn công Ukraine.

Quân đội Thụy Điển cũng tham gia các cuộc tập trận mùa đông của NATO ở nước láng giềng Na Uy. Trong khi đó, dù Phần Lan từ lâu đã phản đối việc gia nhập NATO, các hành động của Moscow ở Ukraine dường như đã và đang thay đổi suy tính của họ.

Một số quốc gia, đặc biệt là những quốc gia thân cận với Nga ở Trung và Đông Âu, đã xích lại gần NATO, gia nhập liên minh này và tránh xa thái độ trung lập vì lo ngại dẫn đến sự yếu kém trước Moscow.

Sự trung lập có là lối thoát cho khủng hoảng ở Ukraine?

Việc đảm bảo “tính trung lập” của Ukraine trong bất kỳ thỏa thuận nào có thể giúp giảm bớt mối đe dọa quân sự mà Nga nhận thấy từ nước này, đặc biệt với tư cách là một thành viên NATO.

Ukraine luôn khẳng định không có ý định thù địch với Nga nhưng đã đứng về phía NATO để tự đảm bảo an ninh.

Trong nhiều năm, các nhà chức trách Nga đã chỉ trích việc NATO đang dần tiến về phía đông kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Estonia, Latvia và Litva là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nay đã gia nhập NATO.

Nếu Ukraine cũng trở thành thành viên của liên minh này, “một đất nước thân phương Tây nằm ngay sát biên giới sẽ gây ra những vấn đề lớn cho ông Putin, về an ninh và cơ sở quyền lực", phó chủ tịch tại Hội đồng Atlantic Barry Pavel nói với Washington Post.

Tuy nhiên, nếu lựa chọn quy chế trung lập tương tự Thụy Điển hoặc Áo, Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO nhưng có thể là thành viên của EU. Điều này giải quyết phần nào mối lo ngại của Moscow.

Nhưng sau quá nhiều sự đổ máu cho cả hai bên trong cuộc xung đột kéo dài suốt ba tuần qua, giáo sư lịch sử Leo Muller, Đại học Stockholm (Thụy Điển), lo ngại rất khó để tìm thấy một lối thoát ngoại giao.

Cần làm gì để trở thành một quốc gia trung lập?

Các quốc gia châu Âu đã tiến tới quy chế trung lập theo nhiều cách khác nhau. Quá trình đó có thể dễ dàng được thực hiện nhờ yếu tố địa lý, chẳng hạn trong trường hợp của Thụy Điển và các quốc gia Bắc Âu khác. Những quốc gia này không trực tiếp liên quan đến các cuộc chiến tranh ở phía nam biển Baltic.

Tuy nhiên, tình trạng trung lập có thể được thiết lập dưới sự áp đặt từ bên ngoài.

Trong nhiều thập kỷ, Phần Lan từng tồn tại với tư cách là một quốc gia độc lập, nhưng dưới cái bóng của Liên Xô. Với sức ép quân sự từ Moscow, Phần Lan lựa chọn quy chế trung lập trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Theo đó, quốc gia này sẽ không phải đối mặt với các cuộc tấn công của Liên Xô. Nhưng đổi lại, Phần Lan sẽ cam kết không tham gia NATO và cho phép “người khổng lồ láng giềng” duy trì tầm ảnh hưởng đáng kể đối với chính sách đối nội và đối ngoại của mình, theo New York Times.

Trong khi đó, sự trung lập của Thụy Sĩ được khẳng định trong một tuyên bố chung giữa các cường quốc châu Âu tại Hội nghị Vienna năm 1815. Qua nhiều thế hệ, tính trung lập đã ăn sâu và giờ đây trở thành một phần bản sắc dân tộc của nước này.

Áo - quốc gia luôn giữ khoảng cách với NATO - cũng được xem là một hình mẫu cho Ukraine, giáo sư Muller nhận định.

Sau Thế chiến II, Áo bị chiếm đóng bởi các lực lượng từ bốn cường quốc. Đến năm 1955, bốn cường quốc này quyết định rút các lực lượng chiếm đóng và trả lại sự độc lập cho Áo, nhưng chỉ sau khi quốc hội nước này lần đầu quy định tính trung lập trong hiến pháp.

Theo giáo sư Muller, một số quốc gia bắt đầu lựa chọn sự trung lập để đảm bảo lợi ích cá nhân, nhưng đây cũng là một lựa chọn về mặt đạo đức.

Khi không thể xác định rõ "ai là người tốt và ai là kẻ xấu thì về mặt đạo đức, chúng ta nên ở giữa", ông nói.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-lap-la-gi-post1303371.html