Trung Nam đề nghị được hưởng giá điện 9,35 Uscent/kWh cho toàn bộ dự án

Tập đoàn Trung Nam đã đề nghị Chính phủ cho Dự án điện mặt trời 450 MW được hưởng giá điện 9,35 Uscent/kWh thay vì chỉ một phần dự án được hưởng mức giá này.

Tại lễ khánh thành Dự án Trạm biến áp 500 kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW tại Ninh Thuận, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group đã đề nghị Chính phủ cho phép được hưởng mức giá bán điện là 9,35 UScent/kWh cho toàn bộ dự án, thay vì chỉ một phần như hiện nay.

Lý do xuất phát của đề nghị này là bởi trước khi dự án điện mặt trời 450 MW của Trung Nam được công nhận đủ điều kiện vận hành thương mại (COD), tổng công suất cộng dồn của các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã là khoảng 1.720 MW. Như vậy, chỉ còn lại khoảng 280 MW điện mặt trời trong tổng số 2.000 MW trên địa bàn tỉnh này được hưởng mức giá 9,35 Uscent/kWh như Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Tiến cho hay, để ủng hộ dự án đã hoàn thành đúng cam kết và sớm hơn 3 tháng so với dự kiến với trạm 500 KV và đường dây 500 kV để giải tỏa công suất, xin chấp thuận cho nhà đầu tư Trung Nam được hưởng trọn giá bán điện như nhà đầu tư khác là 9,35 Uscent/kWh cho toàn bộ dự án thay vì hưởng một phần trong hạn mức công suất 2.000 MW.

“Kiến nghị này hợp lý cả về lý và tình. Dự án hoàn thành, Chính phủ, Bộ Công thương, tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các nhà đầu tư đều hưởng lợi từ công trình này. Sau 20 năm, công trình này sẽ đem lại lợi ích khoảng 16.000 tỷ đồng, trong đó tài sản 2.000 tỷ đồng là trạm và đường dây và 14.000 tỷ đồng là truyền tải điện cho EVN qua trạm và đường dây này”, ông Tiến nói.

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, đây là dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam và lần đầu tiên tư nhân được đầu tư vào trạm 500 kV và đường dây 500 kV.

“UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, EVN quan tâm xem xét, sớm chỉ đạo giải quyết cơ chế cơ chế giá điện đối với Dự án điện mặt trời 450 MW Thuận Nam để đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án. Đề nghị EVN sớm tiếp nhận bàn giao, quản lý, vận hànhcông trình trạm biến áp 500 kV và tuyến đường dây theo đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Vĩnh nói.

Với quyết tâm cao, Trung Nam Group đã nhanh chóng khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực thi công bất kể ngày đêm, ngày nghỉ, ngày lễ để thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh Ninh Thuận giao hoàn thành đồng bộ Dự án trong tháng năm 2020.
Triển khai một dự án lớn trên diện tích 557,09 ha, trong đó có hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đòi hỏi phải thực hiện trong thời gian dài, tuy nhiên với quyết tâm cao độ, Trungnam Group khởi công dự án từ giữa tháng 5/2020 và đặt ra mục tiêu hoàn thành dự án trong quý 4/2020.
Với mục tiêu thực hiện dự án trong 102 ngày, Trung Nam Group đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong vòng 45 ngày đầu tiên; cùng với hơn 8.000 con người từ cán bộ, kỹ sư, công nhân triển khai thi công xuyên suốt ngày đêm trên diện tích 557,09 ha để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Kết quả, Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam hoàn thành ngày 29/9/2020. Đường dây 220 kV được nghiệm thu đóng điện ngày 7/9/2020 và hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 10/9/2020. Đường dây 500 kV đấu nối từ trạm biến áp Thuận Nam đến trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân hoàn thành nghiệm thu đóng điện ngày 29/9/2020.
Trung Nam Group cũng đã đề nghị bên mua điện công nhận ngày 30/9/2020 là ngày vận hành thương mại của Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Trước đó vào ngày 9/1/2020, Dự án Nhà máy điện mặt trời quy mô công suất 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng được giao tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời nêu trên, kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam khi được trình lên các cơ quan hữu trách xem xét với quy mô tổng vốn đầu tư sau thuế là 11.814 tỷ đồng với dự tính vốn tự có của nhà đầu tư là 30% và vốn vay là 70%.

Cụ thể, Nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW có quy mô đầu tư là 9.492 tỷ đồng; trạm biến áp 500 kV là 1.876 tỷ đồng; đường dây 500 kV đấu nối khoảng 423 tỷ đồng và đường dây 220 kV đấu nối là khoảng 22 tỷ đồng.

Ở phần đường dây truyền tải, giai đoạn năm 2020 sẽ lắp trước 2 máy biến áp (MBA) 900 MVA vận hành đồng bộ với nhà máy. Đầu tư đường dây 500 kV mạch kép dài 15,5 km để đấu nối về trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân của ngành điện; xây dựng 4 mạch đường dây 220 kV dài khoảng 1 km từ trạm biến áp của Nhà máy tới các trục đường dây truyền tải quốc gia.

Trong thông báo số 356/TB-SKHĐT ngày 14/2/2020 về nộp hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra yêu cầu tổng vốn đầu tư tuân thủ theo định mức về quản lý đầu tư xây dựng, trong đó vốn tự có tối thiểu là 20%. Dự án cũng được yêu cầu hoàn thành xây dựng đưa vào hoạt động đồng bộ cả nhà máy điện mặt trời và hạ tầng truyền tải trong năm 2020.

Đáng chú ý nhất về giá điện áp dụng cho dự án, đề bài thầu chỉ cho biết, giá bán điện được thực hiện theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018, Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22/11/2019.

Vào ngày 3/4/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có quyết định chọn Trung Nam là nhà phát triển dự án này.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trung-nam-de-nghi-duoc-huong-gia-dien-935-uscentkwh-cho-toan-bo-du-an-d131230.html