Trung Nam Group muốn làm cầu Cần Giờ và Thủ Thiêm 4
Trung Nam Group đề xuất TP.HCM cho phép doanh nghiệp thực hiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT.

Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM.
Trong văn bản gửi UBND TP.HCM mới đây, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đề xuất TP tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Theo Trung Nam Group, việc đầu tư hai cây cầu theo hình thức BT sẽ giúp TP.HCM huy động nguồn lực tư nhân để phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm mà không tạo áp lực lên ngân sách.
Đồng thời, nhà đầu tư cũng cam kết huy động tối ưu nguồn lực để triển khai 2 dự án đảm bảo chất lượng và trình hồ sơ ngay khi được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương, nhằm rút ngắn tiến độ và góp phần vào sự phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế của TP.
Trung Nam Group cho biết doanh nghiệp có lợi thế khi trước đây Liên danh Trung Nam Group - CTCP Đô thị du lịch Cần Giờ đã nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ và đã bàn giao hồ sơ nghiên cứu để Sở Giao thông Vận tải (GTVT) hoàn thiện báo cáo, trình Hội đồng thẩm định TP.HCM ngày 1/12/2023.
"Dựa trên những kinh nghiệm đã có, chúng tôi đặc biệt quan tâm và mong muốn được góp phần vào việc triển khai hai dự án trọng điểm này", doanh nghiệp nhấn mạnh.


Hiện trạng vị trí xây cầu Cần Giờ (trái) và cầu Thủ Thiêm 4 (phải). Ảnh: Quỳnh Danh.
Thực tế, cầu Thủ Thiêm 4 và cầu Cần Giờ là hai dự án quy mô lớn, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Tổng mức đầu tư dự kiến của hai dự án này là hơn 17.000 tỷ đồng.
Theo đề xuất của Sở GTVT, dự án cầu Cần Giờ sẽ thay thế phà Bình Khánh, giúp kết nối giao thông giữa huyện đảo Cần Giờ với trung tâm TP.HCM và các khu vực lân cận. Việc này sẽ giải quyết ùn tắc giao thông, kéo giảm tai nạn, đáp ứng nhu cầu giao thông thông suốt cho tuyến đường Rừng Sác.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 11.087 tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM dự kiến chi hơn 5.200 tỷ đồng để tham gia đầu tư dự án và phần còn lại là vốn BOT của nhà đầu tư.
Trong khi đó, dự án cầu Thủ Thiêm 4 dài hơn 2 km với 6 làn xe, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và Khu đô thị mới Nam TP.HCM. Công trình nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, kéo giảm tai nạn tại phà Cát Lái.
Tổng mức đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 là hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó TP.HCM sẽ chi khoảng 2.826 tỷ đồng tham gia đầu tư, phần còn lại nhà đầu tư huy động.
Hai dự án đều được Sở GTVT đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Cách đây không lâu, sau khi được Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý, Vingroup cũng có văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị được nghiên cứu, khảo sát đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ, trên cơ sở kết hợp với việc đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ để đảm bảo sự kết nối, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và tiết kiệm chi phí đầu tư. Tập đoàn của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng sẽ tự lo các chi phí này.
Vingroup mong TP.HCM tạo điều kiện để tập đoàn phối hợp với Sở GTVT TP.HCM và đơn vị tư vấn đang triển khai dự án cầu Cần Giờ để nghiên cứu, khảo sát, tìm phương án phù hợp về kỹ thuật, hiệu quả về đầu tư để kết hợp hạng mục đường sắt đô thị với hạng mục cầu Cần Giờ.
Nguồn Znews: https://znews.vn/trung-nam-group-muon-lam-cau-can-gio-va-thu-thiem-4-post1533928.html