Trung, Nhật cùng ám chỉ sử dụng vũ lực, ẩn chứa nguy cơ leo thang nguy hiểm khó lường
Sau khi Bắc Kinh thực thi Luật Hải cảnh, Tokyo đã cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả 'nổ súng gây nguy hại'. Kyodo cho rằng cả hai bên đều ám chỉ sử dụng vũ lực, ẩn chứa nguy cơ leo thang nguy hiểm khó lường.
Trang Zaobao của Singapore ngày 1/3 đăng bài về vấn đề này, viết: Hôm nay (1/3) là tròn một tháng sau khi Trung Quốc thi hành "Luật Hải cảnh" cho phép các tàu của Cục Hải cảnh sử dụng vũ khí. Chính phủ Nhật Bản trước đó đã cảnh báo rằng nếu tàu Hải cảnh Trung Quốc cố tình đổ bộ lên quần đảo Senkaku của Nhật Bản, họ có thể sẽ “nổ súng gây nguy hại” có thể gây thương tích chết người cho đối phương. Truyền thông Nhật Bản hôm 28/2 chỉ ra rằng mặc dù động thái này được thúc đẩy bởi áp lực của dư luận trong nước chống lại Luật Hải cảnh Trung Quốc, nhưng việc hai bên ám chỉ sử dụng vũ khí để kiềm chế lẫn nhau ẩn chứa nguy cơ leo thang thành tình thế nguy hiểm khó lường.
Theo Kyodo News, ngày 27/2, ông Nobuo Kishi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khi tới thị sát thành phố Fuchu, Tokyo, đã nhắc lại: “Senkaku chắc chắn là lãnh thổ của đất nước chúng ta. Nó phải được thiết thực bảo vệ”.
Trước đó, tại cuộc họp của Đảng Dân chủ Tự do vào ngày 25/2, chính phủ Nhật Bản đã trình bày những kiến giải mới về cách đối phó với tình hình trên quần đảo Senkaku. Người phụ trách Cảnh sát biển Nhật Bản nói rằng hành vi cưỡng bức đổ bộ của tàu công vụ nước ngoài sẽ bị coi là tội ác tày trời và có thể thực hiện hành vi nổ súng nguy hại. Việc nổ súng gây hại là thực thi quyền hạn của cảnh sát dựa trên “Luật thi hành chức vụ của sĩ quan cảnh sát”, và các tàu công vụ bao gồm tàu Hải cảnh Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi : “Senkaku chắc chắn là lãnh thổ của đất nước chúng ta. Nó phải được thiết thực bảo vệ” (Ảnh: Chinatimes).
“Luật thi hành chức vụ của sĩ quan cảnh sát” cũng được áp dụng cho Lực lượng Phòng vệ (quân đội). Ông Nobuo Kishi bảo lưu về quyền nổ súng gây nguy hại của Lực lượng Phòng vệ, nói rằng “các phán đoán sẽ được đưa ra căn cứ vào tình hống cá biệt” .
Nổ súng nguy hại trước đây về cơ bản được giới hạn trong việc phòng vệ chính đáng và lánh nạn khẩn cấp. Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố rõ ràng trong phạm vi của hệ thống pháp luật hiện hành rằng điều này cũng có thể được áp dụng để ngăn chặn việc đổ bộ lên quần đảo Senkaku. Nguyên nhân phía sau là do ảnh hưởng dâng cao của dư luận mà trung tâm là phái bảo thủ phản đối Luật Hải cảnh Trung Quốc.
Sau khi “Luật Hải cảnh” của Trung Quốc được thực thi, trước sức ép của dư luận, các đảng cầm quyền và đối lập của Nhật Bản đều bắt đầu yêu cầu chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, chính phủ xét đến tính nhất quán với luật pháp quốc tế, vẫn giữ thái độ thận trọng đối với việc hoàn thiện luật mới.
Về vấn đề này, các nghị sĩ trẻ tuổi của Đảng Dân chủ Tự do cho rằng: “Chính phủ thiếu mạnh mẽ trong việc phản ứng với vấn đề Senkaku. Làm như thế sẽ không thể giữ vững lãnh thổ”. Ngoài ra còn có các nghị sĩ tầng lớp trung trong Đảng Dân chủ Tự do cũng chỉ ra rằng: “Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh để nhằm vào Senkaku. Nhật Bản cũng cần phải hoàn thiện luật pháp để đối đầu với Trung Quốc”.
Máy bay của không quân Nhật tuần tra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Kyodo).
Trong bối cảnh nội bộ Đảng Dân chủ Tự do có bất bình với chính phủ, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra ý kiến về việc nổ súng gây nguy hại. Những người bảo thủ tích cực khẳng định ý kiến này. Các nguồn tin chính phủ có liên quan tiết lộ rằng "cần phải loại bỏ sự bất bình".
Theo các nguồn tin, từ ngày 1/2 khi "Luật Hải cảnh" có hiệu lực đến ngày 26/2, có tới 6 ngày các tàu của Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, gấp đôi mức 3 ngày trong tháng 1 năm nay. Tàu Hải cảnh Trung Quốc cũng được trang bị các thiết bị tương tự như đại bác và có lúc cố gắng tiếp cận tàu đánh cá Nhật Bản. Hiện trường đã xảy ra tình hình căng thẳng với các tàu tuần tra của Cảnh sát biển Nhật Bản làm nhiệm vụ bảo vệ các tàu cá.
Một người có liên quan của tàu đánh cá đang ở vùng biển hiện trường nói một cách khó chịu về tàu Hải cảnh Trung Quốc: “Họ (Tàu Hải cảnh Trung Quốc) đang từng bước tiếp cận và chúng tôi cảm thấy bị đe dọa”.
Chính phủ Nhật Bản đã dự tính các bước là, khi các tàu tuần tra Cảnh sát biển không đủ khả năng đối phó với các tàu Hải cảnh Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng sẽ ban hành lệnh làm nhiệm vụ bảo vệ trên biển cho Lực lượng Phòng vệ (quân đội) và tiếp sức thực hiện quyền lực của Cảnh sát biển. Tuy nhiên, một cán bộ của Bộ Quốc phòng cho biết: “Nổ một phát súng đều có thể phát triển thành một hành động quân sự quy mô lớn”.
Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản xua đuổi tàu Hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: SCSPI).
Trang tin Mỹ Gnews nhận định: Việc Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố rằng "quần đảo Senkaku chắc chắn là lãnh thổ của đất nước chúng ta" có thể gây nên sự quan tâm đặc biệt, bởi quân đội Mỹ gần đây đã nói rõ rằng họ không có quan điểm về chủ quyền của quần đảo Senkaku; nghĩa là Nhật Bản chỉ có quyền quản lý chứ không có chủ quyền. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby, cũng tuyên bố rằng ông đính chính lại tuyên bố trước đó rằng Nhật Bản có chủ quyền đối với quần đảo Senkaku.
Khi cuối tháng 1/2021, Trung Quốc tuyên bố rằng Quốc hội nước này đã ban hành và thông qua “Luật Hải cảnh” cho phép sử dụng vũ lực trong các vùng biển và hải đảo tranh chấp, nhiều người cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc đưa ra luật này chỉ vài ngày sau khi ông Biden lên nắm quyền. Có thể họ cho rằng “thế giới đang đối mặt với những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ, nhưng thời thế và xu hướng đều đứng về phía chúng ta”.