Trung - Nhật nối lại đối thoại chiến lược: Vừa may vừa hay
Trung Quốc và Nhật Bản quyết định nối lại đối thoại chiến lược bị bỏ dở từ năm 2012. Quyết định này có phải là ngẫu nhiên?
Quốc kỳ của Trung Quốc và Nhật Bản tung bay trên bầu trời lộng gió. (Nguồn: Getty Images)
Sau gần 7 năm gián đoạn, Trung Quốc và Nhật Bản chính thức tái khởi động đối thoại chiến lược. Ngày 10/8 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành và người đồng cấp Nhật Bản Takeo Akiba đã tổ chức đối thoại chiến lược tại tỉnh Nagano (Nhật Bản).
Cơ chế đối thoại chiến lược Trung Quốc - Nhật Bản được thiết lập vào năm 2005 theo đề xuất của nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, nhằm cải thiện quan hệ song phương. Lần đối thoại gần đây nhất được tổ chức năm 2012. Quan hệ giữa hai cường quốc châu Á thời gian gần đây đang có dấu hiệu tan băng sau một thời gian căng thẳng do Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo đang có tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà Nhật Bản gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, quan hệ song phương đang chuyển biến tích cực. Kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Trung Quốc tháng 10/2018, Tokyo và Bắc Kinh đang tìm cách khôi phục khuôn khổ song phương thiết lập năm 1999 để thảo luận về giải giáp vũ khí hạt nhân, thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Thắt chặt lại quan hệ…
Trước cuộc đối thoại với ông Takeo Akiba, ông Lạc Ngọc Thành đã có chuyến thăm Tokyo vào ngày 8/8 vừa qua và gặp gỡ các quan chức xứ sở Mặt trời mọc. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, mặc cho những “thăng trầm” kể từ khi nối lại quan hệ ngoại giao từ hơn 40 năm trước, Trung Quốc và Nhật Bản nên cùng nhau hợp tác để “đẩy mạnh sự ổn định và tính tích cực vào trong một thế giới hỗn loạn”.
Ngày 9/8, ông Lạc Ngọc Thành đã có buổi gặp mặt trực tiếp với Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, hy vọng rằng hai nước sẽ tạo nên xung lực mới, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ song phương. Đáp lại, Ngoại trưởng Taro Kono khẳng định Trung Quốc và Nhật Bản cần “kề vai sát cánh” để ứng phó với thách thức toàn cầu.
Tại buổi đối thoại chiến lược, quan chức ngoại giao cấp cao của Nhật Bản và Trung Quốc đã cùng nhau thảo luận và chia sẻ quan điểm về một loạt chủ đề, từ quan hệ song phương cho tới những vấn đề thế giới và khu vực cùng quan tâm. Cuộc đối thoại cho thấy cả hai nước đều sẵn lòng bỏ qua tranh chấp quá khứ và tìm kiếm sự đồng thuận mới về các vấn đề còn tồn đọng, cải thiện và phát triển hơn nữa quan hệ song phương.
Theo giới chuyên gia, nối lại đối thoại chiến lược đã bị “đóng băng” trong thời gian dài là cách tạo đà, chuẩn bị cho Thượng đỉnh song phương mùa xuân 2020, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận lời thăm chính thức Nhật Bản tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Osaka vừa qua.
… để đối phó vấn đề riêng
Những chuyển biến tích cực trong mối quan hệ Trung - Nhật là hoàn toàn cần thiết khi cả hai nền kinh tế lớn của thế giới đều có vấn đề riêng. Đối với Trung Quốc là cạnh tranh thương mại với Mỹ, còn Nhật Bản và Hàn Quốc lại đang leo thang căng thẳng chính trị - thương mại.
Hòa bình và phát triển là xu hướng của thế kỷ XXI. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều chú ý đến tiếng gọi của thời đại và tìm ra các kênh mới để đáp ứng nhu cầu của người dân, vì sự phát triển và thịnh vượng chung. Trước mắt, đó là tìm được giải pháp cho bài toán kinh tế mà cả Bắc Kinh và Tokyo đang vướng mắc. Tuy nhiên, điều này chỉ đến một khi hai quốc gia có những bước đi táo bạo nhưng cần thiết để cải thiện quan hệ song phương.
Đầu tiên, hai nước cần tạm gác lại những vấn đề và mâu thuẫn không thể giải quyết trong thời gian ngắn, tránh bị cuốn vào vòng xoáy đối đầu, cản trở tới sự phát triển của quan hệ song phương trong tương lai.
Thứ hai, Nhật Bản và Trung Quốc cũng cần phải tăng cường hợp tác trên mặt kinh tế và thương mại thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cởi mở hơn, nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế khu vực. Do đó, cả hai phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn thiện Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc, đẩy mạnh hội nhập thị trường ba nước. Ngoài ra, Trung Quốc và Nhật Bản nên cố gắng xây dựng một hiệp định thương mại tự do song phương, nếu hiệp định ba bên không thể được hoàn tất trong thời gian ngắn do xung đột thương mại giữa Tokyo và Seoul.
Đều có những toan tính riêng, song cả Nhật Bản và Trung Quốc hiểu rằng trong một thế giới biến động nhanh, khó lường với bộn bề thách thức, lợi ích chỉ đến khi cả hai có thể gác lại quá khứ, cùng tiến bước tới tương lai. Khi ấy, tìm được đến nhau trong cái rối bời của cuộc sống, lại là điều vừa may lại vừa hay.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-nhat-noi-lai-doi-thoai-chien-luoc-vua-may-vua-hay-99347.html