Trừng phạt Nga trở thành phép thử đối với sự thống nhất của EU

Liên minh châu Âu (EU) đã gần đạt đến giới hạn về các lệnh trừng phạt của họ trong bối cảnh có nước thành viên đề cập đến mối quan hệ tương lai với Nga sau khi xung đột ở Ukraine kết thúc.

EU đồng ý về các lệnh trừng phạt mới đối với Nga tại hội nghị thượng đỉnh cuối năm. Ảnh: DW

EU đồng ý về các lệnh trừng phạt mới đối với Nga tại hội nghị thượng đỉnh cuối năm. Ảnh: DW

Trong bối cảnh những lo lắng về tác động đối với nền kinh tế đang rơi vào suy thoái của chính châu Âu làm suy yếu quyết tâm trừng phạt Moskva vì cuộc xung đột ở Ukraine, sự thống nhất của EU về các lệnh trừng phạt đối với Nga bắt đầu lung lay.

Các nhà lãnh đạo EU mới đây đã đồng ý với gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Moskva, nhưng các cuộc đàm phán diễn ra gay gắt, với Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic láng giềng của Nga vận động cho các biện pháp cứng rắn hơn, trong khi các quốc gia ở xa hơn về phía Tây, chẳng hạn như Đức hay Hà Lan, do dự hơn.

Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao EU cho biết một số quốc gia như Bỉ và Hy Lạp, cũng như Hungary, vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga, đã phản đối các biện pháp sâu rộng hơn.

Người phát ngôn của Chính phủ Bỉ nêu rõ: "Ngày càng khó áp đặt các biện pháp trừng phạt đủ mạnh đối với Nga mà không gây thiệt hại cho EU".

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2 năm nay, khơi mào cho cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, EU đã thể hiện một mặt trận thống nhất và phản ứng bằng những bước đi nhanh chóng nhằm vào Moskva, điều bất thường đối với khối 27 quốc gia thành viên, nơi những quan điểm đối lập thường biến các cuộc tranh luận thành các cuộc họp kéo dài.

Các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với một loạt công ty và cá nhân Nga, trong khi những chuyến bay của máy bay Nga đã bị cấm và hoạt động kinh doanh với một số ngân hàng Nga bị trừng phạt ở châu Âu. Nhưng việc tìm kiếm sự đồng thuận hiện nay đã trở nên khó khăn hơn.

Sau cuộc đàm phán của EU về gói trừng phạt thứ 9, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis đã mô tả thỏa thuận trừng phạt mới nhất là một "cơ hội bị bỏ lỡ", bày tỏ sự thất vọng vì các quốc gia EU đã dành nhiều thời gian thảo luận về các biện pháp miễn trừ hơn là những bước cứng rắn hơn.

Các biện pháp mới nhất nhắm vào các thực thể có liên hệ với quân đội Nga, kiểm soát máy bay không người lái và đóng băng tài sản của hai ngân hàng Nga cùng các biện pháp hạn chế khác. Nhưng căng thẳng đã xuất hiện trong các cuộc đàm phán. Các nguồn tin cho biết Litva và các nước khác phản đối các động thái nhằm đảm bảo miễn trừ cho một số nhà tài phiệt Nga liên quan đến nông nghiệp và phân bón, mặc dù bất đồng đó cuối cùng đã được xoa dịu.

Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, gần tiền tuyến giữa Nga và Ukraine hơn, đã đưa ra một đề xuất trong những tuần gần đây về các biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn, bao gồm cả khí đốt và ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, đồng thời tranh luận về việc miễn trừ, chẳng hạn như lĩnh vực thép và kim cương của Nga.

Một số nước trong nhóm đó muốn Gazprombank, ngân hàng thanh toán năng lượng cho Nga, trở thành mục tiêu. Nhưng nhiều nước khác đã từ chối, cho rằng những vấn đề này có thể được thảo luận vào năm 2023.

Đối với một số chính trị gia châu Âu, chẳng hạn như những người từ Ba Lan đang phải đối mặt với cuộc xung đột "ngay trước cửa nhà mình", việc các quốc gia khác do dự ủng hộ các biện pháp nghiêm khắc hơn đã khiến họ tỏ ra khó chịu.

"Chúng tôi sẽ yêu cầu Đức thay đổi chính sách của mình. Thật không công bằng khi Đức dựa vào Ba Lan để bảo vệ nước này khỏi mối đe dọa chiến tranh. Chỉ vì họ giàu hơn và lớn hơn không có nghĩa là họ luôn đúng", Radosław Sikorski, cựu Ngoại trưởng Ba Lan và hiện là thành viên của Nghị viện châu Âu, nói.

Nga cũng tuyên bố các biện pháp trừng phạt Moskva đã và đang chống lại phương Tây, thúc đẩy lạm phát khi giá năng lượng tăng cao hơn. Nước này cũng cho rằng nền kinh tế của họ có khả năng phục hồi.

Trong khi đó, các biện pháp hiện tại của EU không phải là hoàn toàn chặt chẽ. EU đã áp đặt mức giá trần đối với việc vận chuyển dầu bằng đường biển của Nga, nhưng dầu thô của Moskva đang bán dưới mức đó, vì vậy, doanh thu vẫn đổ về Nga.

Mức trần này được coi là hình phạt tiếp theo đối với Nga nhưng một số quan chức cho biết tác động chính là giảm dịu đi những hạn chế của chính EU đối với thương mại dầu mỏ vì với điều kiện giá vẫn ở dưới mức trần, các công ty bảo hiểm châu Âu có thể bảo lãnh cho các chuyến hàng của Nga.

Giới hạn giá dầu - được thiết kế để gắn kết EU với Mỹ - cũng đã được điều chỉnh để phù hợp với Hy Lạp và CH Síp (Hy Lạp), những nơi có đội tàu chở dầu lớn.

Các nhà ngoại giao và quan chức châu Âu nói với Reuters rằng EU đã gần đạt đến giới hạn về các lệnh trừng phạt của họ. Edita Hrda, Đại sứ CH Séc tại EU cho biết: “Bây giờ chúng tôi cẩn thận với các biện pháp trừng phạt, để không đi quá xa đến mức gây thiệt hại hoàn toàn cho nền kinh tế châu Âu”.

Vị quan chức ngoại giao trên lưu ý: "Nếu chúng tôi thực hiện các bước nhất định chống Nga, điều đó có thể khiến một số nhà lãnh đạo chính trị mất việc. Chúng tôi cần cho các nước thời gian để điều chỉnh. Chúng ta cần một châu Âu thịnh vượng để giúp đỡ Ukraine".

Về phần mình, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã vận động chống lại các biện pháp trừng phạt, cho rằng chúng "như những quả bom" phá hủy nền kinh tế Hungary.

Mặc dù một số nước phản ứng thận trọng hơn, nhưng cũng có quốc gia đề cập đến mối quan hệ tương lai với Nga sau khi xung đột kết thúc. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết EU sẽ "thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga chừng nào Moskva còn tiếp tục cuộc xung đột", nhấn mạnh rằng các mối quan hệ hiện đang suy giảm, nhưng vẫn có cơ hội hợp tác kinh tế trở lại với "một nước Nga chấm dứt xung đột".

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Dailysabah.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/trung-phat-nga-tro-thanh-phep-thu-doi-voi-su-thong-nhat-cua-eu-20221220091200760.htm