Trung Quốc âm thầm giảm phụ thuộc công nghệ chip
Từ thiết bị tiêu dùng đến ôtô, Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện được khả năng cạnh tranh sòng phẳng về công nghệ tiên tiến với các nước. Tuy nhiên, chất bán dẫn cung cấp năng lượng cho nền kinh tế kỹ thuật số có vẻ khó làm chủ hơn đối với Bắc Kinh.
Theo chuyên trang kinh tế economist.com ngày 13/2, đó là nguồn gốc của nhiều mối lo âu trong giới tinh hoa chính trị và kinh doanh trong những năm gần đây. Quyết định của Mỹ vào năm 2022 về việc ngừng xuất khẩu chip và công cụ sản xuất chip mạnh nhất sang Trung Quốc đã giúp giải tỏa hoàn toàn sự kìm kẹp của các đối thủ địa chính trị của Trung Quốc đối với ngành này.
Vào tháng 12/2023, nhập khẩu máy in thạch bản dùng để in mạch lên tấm silicon của Trung Quốc đã tăng 450% so với năm trước khi mà các nhà sản xuất chip trong nước cuống cuồng chạy đua mua bộ công cụ tiên tiến từ công ty dẫn đầu thị trường Hà Lan là ASML, trước khi bị Hà Lan hạn chế xuất khẩu vào tháng 1.
Mối lo ngại ngày càng tăng về các hạn chế thương mại do Mỹ và các đồng minh áp đặt đã khiến cho Trung Quốc, vốn đưa ra nhiều khoản trợ cấp cho ngành công nghiệp chip nội địa trong nhiều năm, giờ đây phải nỗ lực gấp đôi. Vào năm 2022, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện dự án “Đổi mới thông tin” nhằm mục đích thay thế các nhà cung cấp nước ngoài về công nghệ bán dẫn cũng như những mặt hàng khác. Kết quả là chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Trung Quốc ngày càng phát triển sâu rộng.
Chưa thể bắt kịp các đối thủ
Ngành công nghiệp chip của Trung Quốc hoạt động trong vòng bí mật. Những đột phá và thất bại thường được coi là bí mật nhà nước, nếu tiết lộ có thể sẽ bị phạt tù. Vào tháng 8, Huawei đã gây chấn động thế giới khi sản xuất một chiếc điện thoại thông minh dùng chip 7 nanomet (nm), cho phép đạt được tốc độ mạng 5G. Công ty hiện được đồn đoán là đang hợp tác với nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc là SMIC để tạo ra những con chip nhỏ tới 5 nm.
Chip Ascend của Huawei mà công ty thiết kế cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), được cho là đang được sử dụng bởi Baidu, một gã khổng lồ về công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc Đại lục và đã tạo ra ứng dụng Ernie để cạnh tranh với ChatGPT. Giống như tập đoàn sản xuất chip AI hàng đầu của Mỹ là Nvidia, Huawei đã phát triển một nền tảng phần mềm độc quyền, được gọi là CANN (Kiến trúc điện toán cho các mạng nơ-ron), giúp các nhà phát triển sử dụng chip của tập đoàn để xây dựng các mô hình AI.
Nhưng ngay cả khi Huawei và SMIC thành công trong việc sản xuất chip 5 nm, họ vẫn sẽ xếp sau Samsung (Hàn Quốc) và TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) vì cả hai đều bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 3 nm vào năm 2022. Việc thiếu thiết bị in thạch bản tiên tiến sẽ là rào cản lớn cho sự tiến bộ hơn nữa của Trung Quốc.
Dần giảm bớt phụ thuộc
Vượt qua được khó khăn từ lệnh trừng phạt của Mỹ vào năm 2019, Huawei đã tích cực phát triển hệ sinh thái sản xuất chip. Tháng 3/2023, Huawei tuyên bố đã đạt được một số bước đột phá trong việc phát triển phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), được sử dụng để tạo ra các bản thiết kế cho chip. Huawei tin rằng điều đó sẽ giải phóng ngành công nghiệp Trung Quốc khỏi sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đối với các công cụ dành cho chất bán dẫn có kích thước từ 14 nm trở lên. Đối tác với họ trong dự án này nhiều khả năng là Empyrean, một nhà sản xuất công cụ EDA của Trung Quốc với doanh số bán hàng đã tăng vọt trong những năm gần đây.
Sự hợp tác như vậy đang diễn ra thường xuyên hơn. Trước đây, các xưởng sản xuất của Trung Quốc chỉ nhập khẩu máy móc đã được thử nghiệm và kiểm tra từ nước ngoài. Giờ đây, một số công ty lớn nhất, bao gồm cả SMIC, đã trở nên cởi mở hơn trong việc thử nghiệm các lựa chọn thay thế trong nước. Mặc dù điều này đi kèm với chi phí và rủi ro đáng kể đối với các nhà sản xuất chip nhưng chính phủ Trung Quốc được cho là đang nới lỏng bằng cách trợ cấp cho những người mua thiết bị trong nước.
Kết quả cuối cùng đã mang lại động lực lớn cho các nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip của Trung Quốc. Theo Bernstein, một nhà môi giới, thị phần nội địa của các nhà sản xuất công cụ chế tạo tấm wafer (miếng silicon mỏng) Trung Quốc đã tăng từ 4% vào năm 2019 lên xấp xỉ 14% vào năm ngoái. AMEC, một công ty Trung Quốc sở hữu máy móc cho phép loại bỏ vật liệu còn sót lại khỏi con chip, kiểm soát 10% thị trường Trung Quốc vào năm 2021.
Kể từ đó, công ty này đã nhanh chóng giành được thị phần từ các đối thủ nước ngoài như Lam Research của Mỹ. Bernstein ước tính thị phần của AMEC đạt 16% vào năm 2023 và sẽ tăng lên khoảng 30% vào năm 2025. Naura, một công ty khác có cùng quy mô, ước tính doanh số bán hàng của họ đã tăng 50% vào năm 2023. Wazam, một nhà cung cấp màng cách điện chất bán dẫn của Trung Quốc, cũng đang bắt đầu xâm nhập thị trường bằng việc thử nghiệm tại một nhà sản xuất chip nội địa.
Theo ước tính gần đây của Bộ Thương mại Mỹ, Trung Quốc đã bơm khoảng 150 tỷ USD trợ cấp vào ngành sản xuất chip của nước này trong thập kỷ qua. Thông qua nhiều khoản đầu tư khác nhau, chính phủ hiện có mặt trên khắp chuỗi cung ứng chất bán dẫn của đất nước. SMIC thuộc sở hữu nhà nước một phần giống như AMEC. Empyrean được sở hữu phần lớn bởi một công ty nhà nước. Chính quyền Thâm Quyến, thành phố phía Nam nơi Huawei đặt trụ sở, đầu tư vào nhiều nhà sản xuất chip mà công ty đang hợp tác. Không điều nào trong số này hiệu quả bằng việc dựa vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đó cho thấy các quan chức Trung Quốc chú trọng đến an ninh thay vì tính hiệu quả. Và họ đã quyết định rằng cái giá phải trả là xứng đáng.