Trung Quốc: An ninh năng lượng đe dọa kế hoạch phục hồi sau đại dịch
Thời tiết lạnh giá bất thường và việc số nhà máy hoạt động tăng cao đã buộc các quan chức Trung Quốc hạn chế sử dụng điện ở nhiều tỉnh, đe dọa ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi nhanh chóng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau đại dịch.
An ninh năng lượng bị đe dọa
Khói bốc lên từ ống khói tại một nhà máy điện ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tình trạng cúp điện ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc đang diễn ra phổ biến và kéo theo sự kiềm chế không chính thức của Bắc Kinh đối với nhập khẩu than từ Australia. Căng thẳng giữa hai nước gia tăng sau khi Canberra cấm công ty viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies khỏi cơ sở hạ tầng 5G và chỉ trích cách Bắc Kinh xử lý đợt bùng phát Covid-19.
Tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, một người dân ở Trường Sa, thủ phủ của tỉnh, mô tả gần đây anh ta nhận được thông báo về khả năng mất điện đột ngột khi bất cứ lúc nào.
'Các chủ doanh nghiệp vui lòng chuẩn bị', thông điệp cho biết.
Các bài đăng trên Weibo, nền tảng nhắn tin xã hội tương tự như Twitter của Trung Quốc, đã chia sẻ những hình ảnh thiệt hại do cắt điện đột ngột, như việc thang máy dừng lại trong các tòa nhà văn phòng tối đen.
Tại tỉnh Chiết Giang, ngay phía nam Thượng Hải, các cơ quan chính quyền cấp tỉnh đã được lệnh chỉ bật máy sưởi nếu nhiệt độ xuống dưới 3 độ C. Thậm chí khi đó, máy điều hòa nhiệt chỉ có thể được bật lên đến 16 độ C.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, hôm thứ Hai (21/12) kêu gọi người dân giữ bình tĩnh trước tin tức về việc phân bổ điện.
Zhao Chenxin, Tổng thư ký của Ủy ban cho biết: “Ở giai đoạn này, nguồn cung điện của Trung Quốc phần lớn ổn định và tiêu thụ điện của các hộ gia đình không bị ảnh hưởng."
Kế hoạch phục hồi sau đại dịch có khả năng bị đình trệ
Việc phân bổ điện xuất phát từ hai nguyên nhân chính từ phía nhu cầu. Thứ nhất là thời tiết lạnh giá bất thường trong mùa đông năm nay. Thành phố Hàng Châu của Chiết Giang đã ghi nhận nhiệt độ cao trung bình là 9 độ C trong suốt tháng này, mức thấp nhất trong 8 năm đối với tháng 12.
Trường Sa ghi nhận nhiệt độ cao trung bình là 8 độ C, chỉ số được nhìn thấy lần cuối vào năm 2018 và 2012.
Thứ hai là sự phục hồi hoạt động của nhà máy từ tác động của đại dịch Covid-19 cũng góp phần vào tình trạng thiếu điện. Chuỗi cung ứng của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng kể từ mùa xuân, được thúc đẩy bởi nhu cầu cơ sở hạ tầng trong nước và đơn đặt hàng từ nước ngoài.
Khi Hoa Kỳ và Châu Âu vật lộn với sự bùng phát của các ca nhiễm virus Corona, các nhà sản xuất hàng may mặc và các nhà sản xuất khác đã chuyển sang đặt quy trình sản xuất ở Trung Quốc.
Tỷ lệ sử dụng nhà máy của Trung Quốc ở mức 76,7% trong quý 3, tăng 2,3 điểm so với quý 2. Hoạt động này dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa trong quý IV, với một số ước tính dự đoán hiệu suất sử dụng đạt mức 77,5% so với một năm trước đó.
Về mặt cung cấp năng lượng, Trung Quốc đã sản xuất tổng cộng 3,48 tỷ tấn than trong 11 tháng đầu năm, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cả nước chỉ nhập khẩu 260 triệu tấn trong cùng khoảng thời gian, giảm 11%.
Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế đối với nhập khẩu than của Australia trong năm nay. Nhưng một tỷ lệ lớn than mà Trung Quốc đưa vào được sử dụng trong ngành thép. Nhiều chuyên gia cho rằng lượng than nhập khẩu giảm chỉ có tác động hạn chế đến việc phân bổ điện năng.
Zhang Jianhua, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, cho biết hôm thứ Hai rằng tăng cường an ninh năng lượng sẽ là một ưu tiên trong kế hoạch năng lượng 5 năm của nước này. Nước này sẽ có các nguồn tài nguyên tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, cũng như tăng tỷ lệ than tự sản xuất.
Trung Quốc đang phát đi tín hiệu rằng họ đang theo đuổi lập trường chống phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn năng lượng nước ngoài. Nhưng nếu nhu cầu năng lượng tăng lên do mùa đông lạnh giá, Trung Quốc có thể có xu hướng sử dụng khẩu phần từ doanh nghiệp và hộ gia đình hơn là mở rộng nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên.
Việc ngăn chặn sự bùng phát Covid-19 tương đối nhanh chóng đã cho phép Trung Quốc đạt được tiến bộ trong việc bình thường hóa nền kinh tế trong năm nay. Tổng sản phẩm quốc nội dự kiến chỉ tăng 2% trong năm nay, nhưng Trung Quốc sẽ là một trong những nền kinh tế lớn duy nhất không bị suy giảm.
Ban lãnh đạo Trung Quốc dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm tới ở mức khoảng 8%. Nếu các giới hạn đối với việc sử dụng năng lượng vẫn còn trong mùa đông này, thì việc phục hồi hình chữ V có thể có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng.