Trung Quốc - Australia: Leo thang căng thẳng thương mại
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Australia tiếp tục leo thang lên một mức mới khi Bắc Kinh quyết định dừng nhập khẩu 7 mặt hàng gồm rượu vang, quặng đồng, lúa mạch, than đá, đường, gỗ và tôm hùm của xứ sở Chuột túi từ ngày 6-11. Động thái này có thể khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Australia thiệt hại đến 6 tỷ AUD (gần 4,3 tỷ USD) trong năm nay.
Ngư dân Australia chịu ảnh hưởng lớn bởi lệnh cấm nhập khẩu tôm hùm của Trung Quốc.
Trong 3 tháng gần đây, Trung Quốc đã đưa ra nhiều quyết định nhằm vào các nhà xuất khẩu của Australia, trong đó có áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp nhà nước lên tới 80,5% đối với lúa mạch, đình chỉ nhập thịt bò từ 5 nhà máy chế biến hàng đầu Australia với lý do hải quan Trung Quốc đã phát hiện chất cấm chloramphenicol trong thịt. Phía Trung Quốc cũng đã bắt đầu 2 cuộc điều tra chống bán phá giá với rượu vang nhập khẩu từ quốc gia này...
Hiện tại, nhà chức trách Australia đang đề nghị Trung Quốc đưa ra giải thích rõ ràng từ những quyết định nêu trên, đồng thời hy vọng nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Australia cũng khẳng định sẽ không ngần ngại đưa vấn đề ra trọng tài độc lập để bảo vệ các doanh nghiệp của mình.
Quan hệ giữa hai nước đã nảy sinh vấn đề từ năm 2018 khi Australia không cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G vì lý do an ninh. Đầu năm nay, căng thẳng tiếp tục được nâng lên khi Australia kêu gọi điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của vi rút SARS-CoV-2 và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu không sớm được giải tỏa, tranh cãi sẽ gây tổn hại cho cả hai nước.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia, trong khi xứ sở Chuột túi là thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Trung Quốc với tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 235 tỷ AUD (170 tỷ USD) năm 2019. Nền kinh tế Australia có mức độ phụ thuộc thị trường Trung Quốc lớn nhất thế giới khi hơn 33% tổng kim ngạch xuất khẩu và 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là dựa vào quan hệ kinh tế - thương mại với đất nước đông dân nhất thế giới.
Trung Quốc cũng là nhà cung cấp lớn những mặt hàng thiết yếu đối với các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Australia bao gồm internet vạn vật, quản lý kỹ thuật số siêu tốc và nhiều loại công nghệ khác… Điều này khiến Australia không chỉ dễ bị tổn thương về kinh tế mà còn cả về cạnh tranh chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung và vẫn rất cần nguồn nguyên liệu có chất lượng cao với giá cả hợp lý từ Australia. Thống kê cho thấy, nước này nhập khẩu từ xứ Chuột túi hơn 60% lượng quặng sắt, 60% lượng than cốc, gần 25% lượng than cung cấp cho các nhà máy điện và hơn 50% lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Trong năm 2019, than đá là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Australia sau quặng sắt, đạt trị giá hơn 39,5 tỷ USD. Do vậy, việc tìm nguồn thay thế nhà cung cấp này không phải là nhiệm vụ đơn giản, đồng thời còn là một quyết định có chi phí rất lớn và tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, việc mạnh tay với Australia sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Trung Quốc và có thể khiến các công ty Australia tìm đến những thị trường khác, tạo ra một làn sóng doanh nghiệp rời khỏi nước này. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa “hạ nhiệt”, tiếp tục thổi bùng tranh cãi với một đối tác thương mại lớn khác chưa hẳn đã là một bước đi phù hợp.
Tuy nhiên, hóa giải những bất đồng giữa hai bên cũng không hề dễ dàng. Các nhà bình luận quốc tế cho rằng, để hai nước có thể ngồi vào bàn đàm phán, cả Trung Quốc và Australia cần có thiện chí, gạt bỏ những quan điểm cứng rắn và nỗ lực để tìm được tiếng nói chung.