Trung Quốc: Bản thông điệp từ Luật Chống gián điệp

Ngày 26/4, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Trung Quốc, 'Luật Chống gián điệp sửa đổi' đã được thông qua và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7 tới. Đây là bước đi tiếp theo của Bắc Kinh nhằm tăng cường đảm bảo an ninh quốc gia trong bối cảnh môi trường quốc tế có nhiều biến động.

Phạm vi điều chỉnh rộng hơn

Điều đáng chú ý nhất trong Luật Chống gián điệp sửa đổi (gọi tắt là Luật Chống gián điệp sửa đổi) mà Trung Quốc vừa ban hành là việc nước này định nghĩa lại “các hoạt động gián điệp”. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân được coi là hoạt động gián điệp khi:

(1) Thực hiện, xúi giục hoặc tài trợ cho người khác thực hiện các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc.

(2) Tham gia, nhận nhiệm vụ hoặc núp bóng một tổ chức gián điệp hoặc một nhánh của tổ chức gián điệp.

(3) Đánh cắp, do thám, mua bán, cung cấp thông tin mật và các tài liệu, dữ liệu, đồ vật khác có liên quan đến lợi ích, an ninh quốc gia hoặc lôi kéo, ép buộc nhân viên nhà nước nổi loạn.

(4) Tấn công, xâm nhập, phá hoại cơ sở vật chất không gian mạng của cơ quan nhà nước, đơn vị liên quan đến bảo mật hoặc cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu.

(5) Tiết lộ mục tiêu để địch tấn công.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh những lo ngại về an ninh trong tình hình hiện nay.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh những lo ngại về an ninh trong tình hình hiện nay.

Theo Luật Chống gián điệp sửa đổi, những đối tượng dễ bị các tổ chức gián điệp xúi giục bao gồm những người thích lối sống xa hoa; những người ảo tưởng về phương Tây và các tư duy, giá trị của phương Tây; đi chệch khỏi các hệ thống của Trung Quốc; những người tự cho mình là trung tâm, những người tìm kiếm sự chú ý của công chúng; và những người có đạo đức kém. Các công cụ gián điệp chuyên nghiệp bao gồm camera bí mật, thiết bị nghe trộm và thiết bị nghe lén điện thoại, cũng như “súng dù”, kính gián điệp và tai nghe.

Luật sửa đổi chỉ ra rằng một số tài khoản mạng trẻ tuổi có thể bị các đặc vụ nước ngoài lợi dụng trong các cuộc trò chuyện trực tuyến mà không hay biết. Bắc Kinh kêu gọi người dân phải cảnh giác và giúp xây dựng một bức tường sắt để bảo vệ an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, phạm vi điều tra của các cáo buộc gián điệp sẽ được mở rộng từ hành vi đánh cắp “bí mật nhà nước” sang việc thu thập “tất cả dữ liệu và tài liệu, vật phẩm liên quan an ninh quốc gia”. Luật Chống gián điệp sửa đổi cũng nhấn mạnh việc “bán thông tin cho các tổ chức gián điệp và đặc vụ của họ” hoặc “tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ quan trọng yếu của Chính phủ Trung Quốc” là phi pháp.

Với những chuyên gia theo dõi về Trung Quốc, việc nước này thông qua Luật Chống gián điệp sửa đổi không phải là điều quá bất ngờ.

Trong suốt thập kỷ qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh những lo ngại về an ninh khi bất đồng với Mỹ gia tăng trong vấn đề Đài Loan, chiến tranh thương mại và gần nhất là việc Mỹ liên tục đe dọa tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Thậm chí, tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX (10/2022), ông Tập Cận Bình đã trở thành lãnh đạo tối cao đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 1949 nhắc đến “an ninh” nhiều lần hơn “kinh tế”.

Với những diễn biến phức tạp trong bối cảnh quốc tế gần đây, từ cuộc chiến giữa Nga với Ukraine với phương Tây hậu thuẫn, Mỹ liên tục có tương tác với Đài Loan trên nhiều phương diện, nước này lại càng có lý do để thúc đẩy các biện pháp đảm bảo lợi ích, an ninh quốc gia.

Luật Chống gián điệp sửa đổi “đụng chạm” đến phương Tây?

Luật Chống gián điệp sửa đổi được ban hành sau một loạt vụ bắt giữ liên quan đến hoạt động gián điệp tại các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Vào tháng 4, Đổng Úc Ngọc - Phó trưởng Ban Biên tập Nhật báo Quang Minh bị buộc tội làm gián điệp vì có “liên hệ trên phương diện ngoại giao và học thuật” với Nhật Bản và Mỹ.

Trước đó, một quản lý cấp cao của hãng dược phẩm Nhật Bản Astellas Pharma, 5 nhân viên người Trung Quốc làm việc cho Tập đoàn Mintz Group (công ty thẩm định của Mỹ) đã bị bắt vì nghi ngờ tham gia các hoạt động gián điệp...

Luật Chống gián điệp sửa đổi định nghĩa lại các hoạt động gián điệp theo quan điểm của Trung Quốc.

Luật Chống gián điệp sửa đổi định nghĩa lại các hoạt động gián điệp theo quan điểm của Trung Quốc.

Dư luận ở một số nước phương Tây thể hiện sự lo lắng về các tác động mà Luật Chống gián điệp sửa đổi Trung Quốc vừa thông qua. Một số nhà bình luận cho rằng, việc ban hành luật chống gián điệp cứng rắn hơn làm dấy lên lo ngại về một cuộc đàn áp nhắm vào các công ty và cá nhân nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Truyền thông Nhật Bản thậm chí còn trích dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao nói rằng, từ khi Luật Chống gián điệp ra đời năm 2014, ít nhất 17 công dân nước này đã bị bắt giữ vì cáo buộc liên quan đến các hoạt động gián điệp, 5 người trong số họ hiện vẫn bị giam giữ ở Trung Quốc, đồng thời dự báo con số này sẽ tăng lên khi Luật Chống gián điệp sửa đổi chính thức được thực thi do phạm vi điều chỉnh rộng hơn.

Luật Chống gián điệp sửa đổi cũng khiến các cá nhân nước ngoài (như các nhà nghiên cứu học thuật, nhà báo, doanh nhân) buộc phải cân nhắc khi đến thăm hoặc hoạt động tại Trung Quốc.

Yasuhiro Matsuda, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Tokyo, cho biết phiên bản gốc của luật, được thông qua năm 2014, “rất mơ hồ và rất mạnh mẽ. Nhưng, Trung Quốc cho rằng như vậy là chưa đủ”. Việc thiếu quy định rõ về loại tài liệu, dữ liệu hoặc vật liệu nào có thể được coi là liên quan đến an ninh quốc gia Trung Quốc sẽ gây ra rủi ro pháp lý lớn cho các học giả và doanh nghiệp đang cố gắng hiểu rõ hơn về đất nước này. Thậm chí, các chủ đề như nguồn gốc của COVID-19, số người chết vì đại dịch ở Trung Quốc và dữ liệu xác thực về nền kinh tế Trung Quốc đều có thể nằm trong tầm ngắm của Luật Chống gián điệp sửa đổi.

Phòng Thương mại Mỹ ngày 28/4 đưa ra tuyên bố cho biết, Luật Chống gián điệp sửa đổi là “vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng đối với cộng đồng nhà đầu tư và cả các đối tác kinh doanh địa phương ở Trung Quốc”.

Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, cảnh báo: “Trước đây, một số hoạt động được xem là bình thường nhưng giờ đây chúng có thể bị coi là hoạt động gián điệp. Các nhà nghiên cứu chắc chắn cần phải cẩn thận”.

Thành Nam

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/trung-quoc-ban-thong-diep-tu-luat-chong-gian-diep-i692463/