Trung Quốc bất ngờ đưa ra cam kết 'bước ngoặt' về giảm phát thải toàn cầu

Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 22.9.2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ 'hướng tới mục tiêu đạt được mức độ trung hòa carbon trước năm 2060'. Đây có thể coi là lần đầu tiên Trung Quốc công nhận nước này cần phải đạt mức phát thải CO2 bằng 0 vào giữa thế kỷ.

Đánh giá về điều này, Cơ quan Theo dõi hành động khí hậu (Climate Action Tracker) cho biết, nếu Trung Quốc thực hiện được mục tiêu đạt trung hòa carbon trước năm 2060, quốc gia này sẽ giúp hạ dự báo nóng lên toàn cầu khoảng 0,2 đến 0,3°C - mức giảm lớn nhất từng được Climate Action Tracker ước tính.

Giả sử các quốc gia thực hiện đầy đủ “những cam kết và mục tiêu” của Thỏa thuận Paris mà không có tuyên bố mới đây của Trung Quốc, Climate Action Tracker ước tính mức tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ là 2,7°C vào năm 2100. Tuyên bố của Trung Quốc sẽ làm giảm con số này xuống còn khoảng 2,4 đến 2,5 °C.

Climate Action Tracker lưu ý, mục tiêu “trước năm 2060” vẫn chưa đủ kịp thời để giữ mức nhiệt độ nóng lên toàn cầu ở khoảng 1,5°C của Thỏa thuận Paris - một mục tiêu đòi hỏi phát thải CO2 toàn cầu cần phải ở mức bằng 0 vào năm 2050 (theo báo cáo đặc biệt của IPCC về 1,5°C).

“Tuy nhiên, cam kết trung hòa carbon từ Trung Quốc rất được hoan nghênh, vì nó đòi hỏi quốc gia này phải xem xét lại tất cả các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trong nhiều thập kỷ tới. Cam kết này cũng sẽ cần áp dụng với tác động khí hậu của các khoản đầu tư tương tự trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc”.

Cư dân sống gần một nhà máy nhiệt điện than ở Sơn Tây, Trung Quốc phải đeo khẩu trang để bảo vệ khỏi ô nhiễm không khí. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images

Cư dân sống gần một nhà máy nhiệt điện than ở Sơn Tây, Trung Quốc phải đeo khẩu trang để bảo vệ khỏi ô nhiễm không khí. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images

Theo Niklas Höhne, Viện NewClimate, cam kết của Trung Quốc cũng có nghĩa là quốc gia này sẽ phải dần loại bỏ mọi hoạt động sử dụng than, dầu và khí đốt thông thường vào giữa thế kỷ này, “một viễn cảnh không thể tưởng tượng được vài năm trước đây”.

Hiện có 126 nước có chung tuyên bố mục tiêu về trung hòa carbon nói riêng và vấn đề nóng lên toàn cầu nói chung. Đây là những quốc gia chịu trách nhiệm cho tổng cộng 51% lượng phát thải toàn cầu, trong đó Trung Quốc đóng góp 25%, chịu trách nhiệm 1/4 lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới.

Bình luận về cam kết trên của Trung Quốc, Li Shuo - Cố vấn Chính sách toàn cầu cấp cao, Tổ chức Hòa bình xanh Đông Nam Á (trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc), cho rằng cam kết của ông Tập sẽ cần bổ sung thêm các chi tiết và biện pháp thực thi cụ thể. Trung Quốc có thể đạt đỉnh lượng khí thải sớm hơn bao nhiêu? Làm thế nào để dung hòa giữa trung hòa carbon với tình hình phát triển than vẫn đang diễn ra của Trung Quốc?

“Đây là những câu hỏi hóc búa đòi hỏi câu trả lời rõ ràng hơn từ Bắc Kinh. Nhưng dẫu sao, cam kết mới của ông Tập chắc chắn sẽ giúp lật ngược tình thế cho ngành môi trường sau một năm đầy thách thức và đánh dấu bước khởi đầu của một loạt các nỗ lực mới cải thiện khí hậu toàn cầu”, vị Cố vấn Chính sách toàn cầu cấp cao, nói.

Giáo sư Jiankun He, Phó Giám đốc Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và Giám đốc ủy ban học thuật của Viện Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của Đại học Thanh Hoa, cho biết nghiên cứu cho thấy Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức lớn trong quá trình phát triển. Để đạt được trung hòa carbon vào năm 2060 đòi hỏi một công cuộc chuyển đổi to lớn trong tất cả các khía cạnh của hệ thống xã hội, kinh tế, năng lượng và công nghệ của quốc gia này.

Lê Quỳnh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/trung-quoc-bat-ngo-dua-ra-cam-ket-buoc-ngoat-ve-giam-phat-thai-toan-cau-25462.html