Trung Quốc biên chế tàu sân bay thứ hai
Trung Quốc vừa chính thức biên chế tàu sân bay nội địa đầu tiên và là tàu sân bay thứ hai cho hải quân nước này.
Tàu Sơn Đông, được bàn giao bằng buổi lễ hôm 17/12, với sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và 5.000 người tại căn cứ hải quân ở TP Tam Á trên đảo Hải Nam, nơi là “cửa ngõ tiến ra biển Đông”, báo chí Trung Quốc đưa tin.
Sự kiện tàu Sơn Đông chính thức được biên chế cũng đưa Trung Quốc vào một nhóm nhỏ các nước sở hữu nhiều tàu sân bay, trong đó có Mỹ và Anh. Bắc Kinh được cho là đang đóng chiếc thứ 3.
“Trung Quốc từ lâu đã than thở rằng họ là thành viên duy nhất trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không có tàu sân bay nào. Họ muốn sử dụng năng lực tàu sân bay để thể hiện sức mạnh quân sự gia tăng tương xứng với vị thế kinh tế và ngoại giao quốc tế của mình”, báo Japan Times dẫn đánh giá của ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam ở Singapore.
Theo chuyên gia này, tàu sân bay mới cũng giúp lãnh đạo Trung Quốc có thêm lựa chọn chính trị. “Bắc Kinh sẽ phải học nhiều từ Mỹ về cách sử dụng tàu sân bay trong thời bình và thời chiến”, ông Koh nói.
Ông dẫn ra việc Mỹ sử dụng 2 tàu sân bay USS Nimitz và USS Independence để ngăn chặn Trung Quốc tấn công Đài Loan năm 1996, từ đó giúp tháo ngòi căng thẳng trong cuộc khủng hoảng ở eo biển. Lần đó, Trung Quốc thực hiện các vụ thử tên lửa quyết liệt để gây sức ép trước cuộc bầu cử lãnh đạo trực tiếp đầu tiên ở Đài Loan. Tổng thống Mỹ Bill Clinton hồi đó ra lệnh triển khai màn phô diễn sức mạnh quân sự lớn nhất ở khu vực kể từ sau chiến tranh ở Việt Nam, với việc đưa nhiều tàu vây quanh hòn đảo để gửi tín hiệu đến Bắc Kinh.
“Trọng tâm chiến lược của tàu Sơn Đông sẽ là các vùng quanh biển Đông”, tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc viết trên tài khoản mạng xã hội của họ.