Trung Quốc biên chế tiêm kích mới trên tàu sân bay?
Hải quân Trung Quốc (PLAN) được cho là đã 'kết nạp' một cỗ máy mới vào kho trang bị của mình, tiêm kích Shenyang FC-31, với vai trò tiêm kích trên tàu sân bay.
Các bức ảnh rò rỉ về mô hình mô phỏng tiêm kích tàng hình trên boong tàu sân bay giả ở Vũ Hán đã xác nhận rằng sản phẩm của tập đoàn máy bay Thẩm Dương (SAC) sẽ cất cánh tàu sân bay của PLAN.
Một số báo cáo cho biết PLAN chỉ chấp nhận duy nhất một biến thể FC-31 để làm tiêm kích trên hạm. Tuyên bố này đã được củng cố bởi nhiều tài liệu học thuật từ SAC nói rằng FC-31 về cơ bản là một sản phẩm trình diễn các công nghệ vật liệu, khung thân và công nghệ điện tử hàng không.
Tuy nhiên, những lần xuất hiện từ năm 2012 tới nay cũng cho thấy FC-31 là một tiêm kích thông thường, có khoang chứa vũ khí, đặc biệt là khi nó được tiếp thị trong các cuộc triển lãm hàng không, triển lãm quốc phòng như một tiêm kích chiến đấu thế hệ thứ năm định hướng xuất khẩu.
FC-31 chưa bao giờ thu hút được nhiều sự quan tâm của PLAN hoặc Lực lượng Không quân PLA (PLAAF), nhưng khi căng thẳng ở Tây Thái Bình Dương gia tăng và Trung Quốc yếu thế trước Mỹ về ưu thế hàng hải, vụ rò rỉ hình ảnh và các bản tin trên truyền thông nhà nước cho thấy chiếc tiêm kích FC-31 có thể tham gia lực lượng không quân hải quân của Trung Quốc.
Thiết kế của FC-31 cho thấy nó có thể được sử dụng để cạnh tranh với loại F-35 của Mỹ, nhưng kích cỡ lớn hơn và quan trọng nhất, là một tiêm kích hai động cơ. Nó nhanh hơn với tốc độ Mach 1,8 so với các tiêm kích chiến đấu chính của Hải quân Mỹ là F-35C và F / A-18E.
FC-31 nhẹ hơn 9979 kg so với J-15 - tiêm kích chiến đấu trên tàu sân bay nặng nhất thế giới đang trong biên chế hải quân Trung Quốc. Khả năng của PLAN bị hạn chế hơn nữa với kiểu phóng máy bay “nhảy cầu” trên cả tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, trong khi phải phóng máy bay J-15 rất nặng nề và buộc phải giảm số nhiên liệu, vũ khí mang theo.