Trung Quốc cải tổ, thêm nhiều điểm mới trong kỳ thi đại học 2021

Kỳ thi đại học tại Trung Quốc (gaokao) không chỉ quyết định thành công của học sinh quốc gia này mà còn là sự kiện được cả xã hội quan tâm.

Thí sinh đo thân nhiệt trước khi vào điểm thi ngày 7/6.

Thí sinh đo thân nhiệt trước khi vào điểm thi ngày 7/6.

Kỳ thi năm 2021 trở nên đặc biệt hơn bởi nhiều điểm mới được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19.

Kiểm soát dịch bệnh

Năm 2020, gaokao bị lùi một tháng do đại dịch Covid-19 nhưng năm nay, kỳ thi được tổ chức vào đầu tháng 6 như hàng năm.

Tại tỉnh Quảng Đông, nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19, hơn 630.000 thí sinh tham dự gaokao. Tất cả nhân viên phục vụ kỳ thi được tiêm phòng, làm xét nghiệm nhanh Covid-19 trước 7 ngày. Học sinh phải theo dõi tình trạng sức khỏe trong 14 ngày.

Tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng chống và kiểm soát Covid-19. Trong đó gồm bố trí phòng thi riêng cho thí sinh có dấu hiệu nhiễm bệnh, bố trí điểm thi dự phòng. Thí sinh F0 sẽ thi tại phòng riêng do cơ sở y tế chỉ định.

Nhiều lựa chọn mới

Kể từ năm 2003, gaokao, kỳ thi “sinh tử”, quyết định tương lai của học sinh, thường tổ chức vào 2 ngày 7 - 8/6. Thí sinh phải hoàn thành 4 bài thi gồm tiếng Trung, tiếng Anh, Toán học, một môn tự nhiên tự chọn (trong 3 môn Hóa học, Vật lý, Sinh học) hoặc một môn xã hội tự chọn (trong 3 môn Lịch sử, Địa lý, Chính trị).

Năm 2021, gaokao ghi nhận số thí sinh cao kỷ lục là 10,78 triệu em, nhiều hơn năm ngoái khoảng 70.000. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục đã mở rộng thêm 37 chuyên ngành đại học mới tại 9 lĩnh vực như luật, giáo dục, lịch sử. Khoảng 43 trường đại học đã phê duyệt giảng dạy các chuyên ngành mới từ năm học 2021 - 2022.

Ngoài ra, học sinh tại 8 tỉnh, thành phố gồm Hà Bắc, Liêu Ninh, Giang Tô, Phúc Kiến, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Đông và Trùng Khánh sẽ tham dự kỳ thi gaokao “mới”. Những khu vực này nằm trong nhóm thứ ba của vùng thí điểm cải cách toàn diện về thi cử.

Trước đó, tỉnh Chiết Giang và thành phố Thượng Hải đã thí điểm vào năm 2017 trong khi Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông và Hải Nam theo sau vào năm 2020.

Cải cách giúp học sinh có nhiều lựa chọn môn thi vì có tới 12 tổ hợp môn thay vì 2 như trước đây. 8 địa phương trên lựa chọn thi theo chương trình “3 - 1 - 2” gồm 3 bài kiểm tra bắt buộc (Toán, Ngoại ngữ, Tiếng Trung), 1 bài thi tự chọn (Vật lý hoặc Lịch sử) và 2 bài thi tự chọn trong 4 môn Chính trị, Địa lý, Hóa học, Sinh học.

Cô Fa Xiaolin, giáo viên tại một trường trung học ở thành phố Vũ Hán nhận xét, cải cách giúp học sinh có nhiều lựa chọn cho tương lai và nghiêm túc suy nghĩ về nghề nghiệp. Cách thi mới cũng khuyến khích phát triển tính cá nhân của học sinh, cho phép các em đi theo đam mê.

Cô Fa cho biết: “Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, mở ra nhiều cơ hội việc làm, gaokao không thể quyết định số phận của mọi người như trước đây. Phụ huynh, học sinh nên cởi mở suy nghĩ về kỳ thi này. Tuy nhiên, gaokao vẫn là kỳ thi quan trọng, cho phép học sinh tiếp cận nền giáo dục chất lượng, tăng cơ hội việc làm”.

Đảm bảo tính công bằng

Trước, trong và sau kỳ thi, Bộ Công an cho biết sẽ siết chặt quản lý gian lận để đảm bảo tính công bằng. Bộ đang tích cực ngăn chặn, triệt phá các đường dây gian lận thông qua thiết bị không dây.

Trong khi đó, học sinh từ các vùng nông thôn, vùng mới thoát nghèo tiếp tục được hưởng chính sách ưu đãi khi đăng ký vào các trường đại học lớn. Bộ Giáo dục cho biết kế hoạch tuyển sinh đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho học sinh nghèo, học sinh các vùng nông thôn được hưởng nền giáo dục tốt.

Ngoài ra, chính quyền địa phương, hội đồng các trường ĐH, CĐ cũng phải kiểm tra chặt chẽ hộ khẩu, hồ sơ cộng điểm của thí sinh.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/trung-quoc-nhieu-diem-moi-trong-ky-thi-dai-hoc-2021-yUxqGl6Gg.html