Trung Quốc cấm sản phẩm của hãng chip nhớ lớn nhất Mỹ
Trung Quốc cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu trong nước mua các sản phẩm của Micron Technology, hãng chip nhớ lớn nhất Mỹ, với lý do chúng gây 'rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng'. Đây là động thái có thể làm leo thang cuộc chiến công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hôm 21-5, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) kết luận Micron gây ra rủi ro an ninh đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc.
“Đánh giá cho thấy các sản phẩm của Micron có rủi ro an ninh mạng tương đối nghiêm trọng, gây rủi ro an ninh đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc và sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”, tuyên bố của CAC cho hay. Do đó, CAC ra lệnh các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc ngừng mua các sản phẩm của Micron, có trụ sở tại bang Idaho, Mỹ.
Động thái này diễn ra sau cuộc điều tra kéo dài bảy tuần của CAC đối với Micron. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích xem cuộc điều tra này là biện pháp trả đũa những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Bắc Kinh đối với công nghệ quan trọng. Tháng 10 năm ngoái, Washington đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip và công cụ sản xuất chip cao cấp sang Trung Quốc. Sau đó, Hà Lan và Nhật Bản cũng hạn chế cung cấp công nghệ sản xuất chip cho Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng Micron trở thành mục tiêu trả đũa đầu tiên vì công nghệ của hãng này dễ dàng bị thay thế bằng chip nhớ từ hai đối thủ Hàn Quốc là Samsung và SK Hynix. Trong phiên giao dịch sáng 22-5, giá cổ phiếu của hai công ty tăng nhẹ.
Tháng trước, Nhà Trắng kêu gọi Hàn Quốc thúc giục các nhà sản xuất chip của nước này không lấp đầy bất kỳ khoảng trống thị trường nào ở Trung Quốc nếu Bắc Kinh hạn chế mua chip nhớ của Micron.
Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với Micron. Một nguồn thạo tin cho biết Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đóng góp 25% trong tổng doanh thu 30,8 tỉ đô la Mỹ của Micron vào năm ngoái.
Các khách hàng hàng đầu của Micron tại Trung Quốc gồm Lenovo, Xiaomi, Inspur Electronics Information, ZTE, Coolpad, China Electronics Corp và Oppo, theo dữ liệu của Bloomberg.
“Động thái trên của Trung Quốc có thể thực sự tồi tệ đối với Micron. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại của hãng chip này phụ thuộc vào độ rộng trong định nghĩa về cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc, có thể bao gồm lĩnh vực tài chính, giao thông vận tải, năng lượng và trung tâm dữ liệu”, Paul Triolo, chuyên gia về công nghệ Trung Quốc tại Công ty tư vấn Albright Stonebridge, nhận định.
Triolo nói thêm rằng các trung tâm dữ liệu là khách hàng đặc biệt quan trọng đối với chip nhớ của Micron.
Ông cho rằng lệnh cấm mua sản phẩm của Micron cho thấy Bắc Kinh không chấp nhận “ngồi im” trước các các hành động hạn chế thương mại về công nghệ chip của Mỹ.
Thông báo của Bắc Kinh được đưa ra một ngày sau khi các nhà lãnh đạo khối cường quốc công nghiệp G7 đưa ra các chỉ trích gay gắt nhằm vào Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của họ ở Hiroshima (Nhật Bản). Những chỉ trích này liên quan đến vấn đề nhân quyền, các chính sách kinh tế “phi thị trường” và sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Sanjay Mehrotra, CEO của Micron, là thành viên của phái đoàn lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7.
“Chúng tôi đã nhận được thông báo kết luận của CAC trong cuộc thẩm định các sản phẩm Micron bán ở Trung Quốc. Chúng tôi đang đánh giá kết luận này và xem xét các bước tiếp theo. Chúng tôi mong muốn tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận với chính quyền Trung Quốc”, Micron cho biết.
Trong tuyên bố của mình, CAC nói rằng “Trung Quốc hoan nghênh các công ty toàn cầu và các sản phẩm nền tảng khác nhau vào thị trường Trung Quốc miễn là họ tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc”. Tuy nhiên, CAC không cung cấp bất kỳ thông tin nào về “rủi ro an ninh” mà các sản phẩm của Micron gây ra.
Giới phân tích cảnh báo hạn chế mới của Bắc Kinh thậm chí có thể khiến các công ty Trung Quốc khác, dù không vận hành “các cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng”, cũng tìm cách loại bỏ Micron khỏi chuỗi cung ứng của họ.
“Bán kính vụ nổ có thể lớn hơn nhiều”, Triolo nói khi ám chỉ đến lệnh cấm sử dụng sản phẩm Micron của Bắc Kinh.
Phản ứng trước lệnh cấm này, Bộ Thương mại Mỹ nói rằng Mỹ “kiên quyết phản đối các hạn chế không có cơ sở thực tế”. Đồng thời, bộ này cho biết cuộc điều tra và phán xét đối với Micron và “các cuộc khám xét những công ty Mỹ khác” ở Trung Quốc trong thời gian gần đây là không phù hợp với cam kết của Bắc Kinh đối với một thị trường mở và khung pháp lý minh bạch.
“Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với chính phủ Trung Quốc để trình bày chi tiết lập trường của chúng tôi và làm rõ hành động của họ. Chúng tôi cũng sẽ tham gia với các đồng minh và đối tác quan trọng để đảm bảo phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết những biến dạng của thị trường chip nhớ do các hành động của Trung Quốc gây ra”, tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ cho hay.
Theo Financial Times, SCMP
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-cam-san-pham-cua-hang-chip-nho-lon-nhat-my/