Trung Quốc cấm thảo luận dự luật dẫn độ, người Hong Kong 'cầu cứu' lãnh đạo G-20
Hơn 1.000 người biểu tình tuần hành tới các lãnh sự quán ở Hong Kong, kêu gọi lãnh đạo các nước G-20 đề cập tới dự luật dẫn độ với Trung Quốc vào hội nghị tới.
Hô vang khẩu hiệu "Giúp đỡ Hong Kong", nhóm người biểu tình diễu hành tới trụ sở lãnh sự quán các nước có lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 được tổ chức ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tuần này.
Trong 3 tuần qua, hàng triệu người Hong Kong đổ xuống đường để phản đối dự luật gây tranh cãi cho phép dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang Đài Loan, Macau và Trung Quốc Đại lục.
Sức ép quá lớn từ dư luận buộc Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam phải hoãn vô thời hạn dự luật gây tranh cãi.
Tuy nhiên, với người biểu tình, như vậy là chưa đủ.
"Nếu chính quyền không hủy bỏ dự luật hoặc từ chối trả lời, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu", Aslee Tam, một sinh viên 19 tuổi cho hay.
"Chúng tôi muốn gây ồn ào đánh động tới G-20, để các quốc gua thảo luận về các vấn đề hiện tại ở Hong Kong", Tam cho hay.
Tại lãnh sự quán Mỹ, những người biểu tình trao bản kiến nghị yêu cầu Tổng thống Trump can thiệp để giải quyết tình trạng hiện nay. Họ kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ đề cập tới vấn đề này với Chủ tịch Tập Cận Bình và ủng hộ việc bãi bỏ dự luật, mở một cuộc điều tra độc lập về sự tàn bạo của cảnh sát Hong Kong chống lại người biểu tình.
Một nhóm người biểu tình khác diễu hành tới lãnh sự quán Anh trước khi gửi đơn thỉnh cầu được một nhà ngoại giao cấp cao tại đây tiếp nhận.
Hôm 25/6, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết London sẽ cấm bán hơi cay cho Hong Kong, đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra về tình trạng bạo lực gần đây ở đặc khu hành chính này.
Hôm 24/6, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trương Quân khẳng định Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc nên không thích hợp để mang ra thảo luận trong thượng đỉnh G-20.
"Những gì tôi có thể nói với bạn là chắc chắn G-20 sẽ không thảo luận về vấn đề Hong Kong. Chúng tôi sẽ không cho phép G-20 thảo luận về vấn đề này", ông Trương khẳng định.
Theo Reuters, Chủ tịch Tập Cận Bình chắn chắn sẽ muốn tránh đề cập tới vấn đề này nếu ông gặp Tổng thống Trump trong vài ngày tới. Dự luật dẫn độ nếu được đem ra thảo luận ở G-20 cũng sẽ dồn thêm áp lực lên vai Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong trong bối cảnh xuất hiện thông tin nói rằng Bắc Kinh đang nghi ngờ về khả năng của bà này.
Các nhà hoạt động Hong Kong hiện huy động được hơn 640.000 USD trong một chiến dịch gây quỹ để mua quảng cáo trên các phương tiện truyền thông có sức ảnh hưởng như tờ New York Times để tìm kiếm tiếng nói đồng thuận lên án dự luật gây tranh cãi. Một số nhà hoạt động Hong Kong cũng đang có mặt ở Osaka để dõi theo các diễn biến tại hội nghị sắp tới.
(Nguồn: Reuters)