Trung Quốc cảnh báo AI có thể làm thay đổi cục diện an ninh quốc gia
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc hôm 16/11 đăng bài viết đề cập lĩnh vực mới trong an ninh quốc gia - an ninh Trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời cảnh báo rủi ro tiềm ẩn của AI rất có thể sẽ làm thay đổi sâu sắc bối cảnh an ninh quốc gia hiện tại của Trung Quốc trong tương lai gần.
Bài viết của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) cho biết, mặc dù công nghệ AI với ChatGPT làm đại diện đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 2023, tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế, xã hội và sự tiến bộ của văn minh nhân loại, đồng thời tạo ra những cơ hội lớn cho thế giới thông qua việc sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực tài chính, y tế, vận tải và sản xuất, nhưng nó cũng có thể làm tăng nguy cơ đánh cắp dữ liệu, tấn công mạng, an ninh kinh tế, “đầu độc dữ liệu” và an ninh quân sự.
Theo MSS, AI có thể được sử dụng để đánh cắp khối lượng lớn thông tin nhạy cảm và giúp tin tặc dễ dàng thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích và kín đáo nhằm vào các mục tiêu cụ thể mọi nơi mọi lúc.
Là sự “thay thế hiệu quả” cho lao động của con người ở một mức độ nào đó, công nghệ AI có thể tác động đến an ninh kinh tế, an ninh xã hội, thậm chí cả an ninh chính trị của quốc gia.
“Đầu độc dữ liệu” đề cập đến hành vi đưa dữ liệu độc hại vào bộ dữ liệu đào tạo AI để làm gián đoạn hoạt động bình thường của các mô hình phân tích dữ liệu. Bộ này đã dẫn ví dụ về “đầu độc dữ liệu” trong hệ thống ô tô thông minh dẫn đến tai nạn giao thông hoặc thông qua các kênh truyền thông nhằm gây ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng của công chúng.
MSS còn cho biết, AI có thể được sử dụng trong Vũ khí tự động gây chết người (LAW), giúp che giấu nguồn gốc của những kẻ tấn công thông qua nhận dạng mục tiêu tự động và các hoạt động tự động từ xa. Nó cũng có thể làm cho các hành động quân sự có tính chủ đích cao hơn, mục tiêu rõ ràng hơn và phạm vi tấn công rộng hơn bằng cách kết nối các mạng lưới, người ra quyết định và người điều hành.
Cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường trao quyền về công nghệ và kỹ thuật số để giải quyết các rủi ro và nắm quyền chủ động chiến lược trong phát triển AI. MSS cũng cho rằng cần thông qua các bộ luật và quy định rõ ràng hơn để đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của các cá nhân, đồng thời kêu gọi các công ty và cá nhân trong ngành AI nâng cao ý thức tự giác về bảo mật.
Được biết, hồi cuối tháng 10, Trung Quốc đã công bố Sáng kiến Quản trị AI Toàn cầu tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba tại Bắc Kinh.