Trung Quốc cảnh báo Nhật trước ý định triển khai tên lửa đạn đạo của Mỹ
Ngoài Trung Quốc, Nga có thể sẽ sử dụng máy bay ném bom có thể phóng tên lửa đạn đạo tầm xa nhắm vào tên lửa của Mỹ ở Nhật Bản.
Cảnh báo Nhật Bản
Tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc tuyên bố rằng, việc triển khai “vũ khí gây hấn của Mỹ” sẽ gây tổn hại đến tình hình an ninh của chính Nhật Bản.
Theo tờ báo Trung Quốc, gần đây, ông Marshall Billingslea, chuyên gia đàm phán kiểm soát vũ khí hàng đầu của Mỹ, đã nói với tờ Nikkei hôm thứ Sáu rằng Washington sẽ thương thảo với các đồng minh châu Á về việc triển khai tên lửa tầm trung để chống lại "mối đe dọa tức thời" do Bắc Kinh gây ra.
Ông Marshall Billingslea nói rằng những loại vũ khí này, "chính xác là phương tiện tăng khả năng phòng thủ mà các quốc gia như Nhật Bản sẽ muốn và sẽ cần cho tương lai."
Mỹ đã tìm kiếm Nhật Bản như một quốc gia điểm đến tiềm năng nhất để triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung kể từ khi nước này rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung vào tháng 8 năm 2019.
Washington lại đưa ra đề xuất này (triển khai tên lửa tầm trung) ở khu vực với mục đích tăng cường khả năng tấn công của mình ở Tây Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ cho rằng lợi thế truyền thống của Hải quân và Không quân Mỹ đang bị thu hẹp do các đối thủ chiến lược gia tăng sức mạnh quân sự. Các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có thể bị vô hiệu hóa.
Do đó, Mỹ mong muốn sử dụng các tên lửa tầm trung và một số tên lửa siêu thanh để cải thiện khả năng tấn công của mình.
“Kế hoạch đáng mơ ước của Hoa Kỳ coi Nhật Bản là một cơ sở phóng quan trọng. Bằng cách triển khai tên lửa tầm trung ở Nhật Bản, Mỹ sẽ có thể đưa một số địa điểm của Trung Quốc vào tầm bắn của mình. Khu vực Viễn Đông của Nga, và đặc biệt là Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, cũng sẽ bị đe dọa”. – Hoàn Cầu Thời Báo viết.
Nhưng, theo trang báo thường đăng tải các bài bình luận mang màu sắc dân tộc của Trung Quốc, nếu Mỹ thực sự triển khai tên lửa tầm trung ở Nhật Bản, nó sẽ được xem là hành động khiêu khích ngay trước "cửa nhà" của Trung Quốc.
Do đó, theo phỏng đoán của tờ báo, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ từ chối đề xuất này. Các tên lửa tầm trung hoàn toàn là vũ khí thù địch. Một khi chúng được triển khai ở Nhật Bản, quan hệ giữa Nhật Bản và các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, sẽ lập tức gia tăng căng thẳng.
Trong kịch bản này, Nga có thể sẽ sử dụng máy bay ném bom có thể phóng tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm trung để nhắm vào tên lửa của Mỹ ở Nhật Bản. Điều này rõ ràng sẽ “khiến an ninh của Nhật Bản lâm nguy”.
Tư vấn cho Nhật Bản
Sự chia cắt đã xảy ra trong liên minh quân sự Mỹ-Nhật. Vào tháng 6, Tokyo đã loại bỏ việc triển khai hệ thống chống tên lửa Aegis Ashore trị giá hàng tỷ USD của Washington.
Mặc dù trích dẫn lý do an ninh công cộng và lo ngại của dân chúng Nhật dẫn đến việc Tokyo phải hủy bỏ kế hoạch này, các nhà phân tích tin rằng Nhật Bản không muốn kích động các nước láng giềng một cách không cần thiết.
Nếu Nhật Bản triển khai một loại vũ khí thù địch thuần túy như vậy, nước này có khả năng sẽ có một quả bom hẹn giờ trên đất của mình và Nhật Bản sẽ là mục tiêu của các cường quốc quân sự khác và phải đối mặt với các biện pháp đối phó của họ. Đối với Nhật Bản, điều này không đáng.
Dù Tokyo không có quyền đưa ra quyết định về việc triển khai của Washington theo hiệp ước an ninh giữa hai nước, nhưng họ vẫn có cách để từ chối việc tăng cường quân sự như vậy.
Mặt khác, theo Hoàn Cầu Thời Báo, ở cấp độ chính thức, Tokyo có thể không hoàn toàn hợp tác với kế hoạch triển khai do người Mỹ sắp đặt.
Nếu Washington cưỡng bức triển khai tên lửa tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản, Tokyo có thể gây khó khăn bằng cách từ chối thanh toàn chi phí để bảo trì tên lửa.
“Chính quyền Nhật cũng có thể đẩy lui kế hoạch này bằng cách cần thời gian để tìm các vị trí thích hợp để triển khai các hệ thống tên lửa Mỹ”. – trang báo Trung Quốc khuyến cáo.
Mặt khác, Tokyo có thể nói "không" với Washington bằng cách lôi kéo dư luận. Ai cũng biết rằng các quân nhân Hoa Kỳ ở những căn cứ này đã gây xáo trộn rất lớn cho cuộc sống của người dân địa phương với những hành vi say xỉn và hãm hiếp.
Nếu một vũ khí tấn công thuần túy được lắp đặt trên những căn cứ đó, người dân Nhật Bản rất dễ bị kích động. Trong trường hợp này, Tokyo sau đó có thể khai thác những tiếng nói đó hoặc thậm chí trực tiếp truyền tải sự bất mãn của người dân tới Washington và người dân Mỹ.
Cảnh báo Tokyo
Bằng cách này, Mỹ sẽ cảm thấy áp lực về việc triển khai tên lửa tầm trung ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, nếu Washington kiên quyết triển khai, Bắc Kinh sẽ không ngồi yên – Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp đối phó cần thiết.
Các biện pháp đối phó này sẽ mang tính chất phòng thủ. Trước hết, Trung Quốc sẽ nâng cao năng lực quốc phòng và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tương đối hoàn chỉnh đối với tên lửa đạn đạo, đặc biệt là đối với tên lửa đạn đạo tầm trung.
Điều này sẽ tập trung vào chiến thuật đánh chặn tên lửa. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ củng cố lá chắn chiến lược của mình trước khả năng bị tấn công bất ngờ.
Đồng thời, các phương pháp tấn công sẽ được quân đội Trung Quốc thường xuyên “mài giũa”.
“Như người ta thường nói Dongfeng Express (ý chỉ các loại tên lửa đạn đạo tấn công Đông Phong) luôn phục vụ bạn. Nhiệm vụ luôn được giao.
Nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung vào Nhật Bản và chĩa chúng vào Trung Quốc, tên lửa đạn đạo Đông Phong của Trung Quốc - có số lượng lớn hơn và khả năng vượt trội, sẽ nhắm vào các căn cứ quân sự của Mỹ để đáp trả.
Trong kịch bản này, một sự cân bằng chiến lược sẽ ngăn cản Mỹ hành động một cách hấp tấp” – Thời Báo Hoàn Cầu kết luận bằng lời cảnh báo.