Trung Quốc cảnh báo sẽ thực hiện 'mọi biện pháp cần thiết' sau lệnh hạn chế của Mỹ
Chiều qua (24/6), Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đồng loạt phản ứng gay gắt trước động thái hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với các công ty trong lĩnh vực điện Mặt Trời ở Tân Cương với các cáo buộc về nhân quyền.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 24/6, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong phủ nhận vấn đề “cưỡng bức lao động” ở Tân Cương, cho rằng điều này hoàn toàn trái với sự thật.
Theo ông, việc Mỹ một lần nữa sử dụng sức mạnh quốc gia để thực hiện chủ nghĩa bảo hộ và bắt nạt nhân danh cái gọi là “nhân quyền”, là sự “phá hoại nghiêm trọng đối với trật tự kinh tế và thương mại quốc tế”, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông kêu gọi Washington “sửa chữa hành vi sai trái” và cảnh báo Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và tổ chức nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng “lên án mạnh mẽ” việc làm của Mỹ, cho rằng lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty Trung Quốc là “dựa trên những lời nói dối và thông tin sai lệch”.
Theo Bắc Kinh, Mỹ đã lạm dụng danh sách thực thể bị trừng phạt để trấn áp ngành công nghiệp quang điện của Tân Cương, nhấn mạnh việc làm này “vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và các nguyên tắc kinh tế thị trường”.
Trước đó, ngày 23/6, Bộ Thương mại Mỹ thông báo hạn chế xuất khẩu đối với 5 thực thể của Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền và lao động. Trong số 5 thực thể vừa bị đưa vào danh sách trừng phạt có các công ty lớn về sản xuất silic đơn tinh thể và silic đa tinh thể dùng trong chế tạo các tấm pin Mặt Trời.
Được biết, 5 thực thể chịu lệnh hạn chế nhập khẩu của Bộ Thương mại Mỹ gồm: Hoshine Silicon Industry, Xinjiang Daqo New Energy - một công ty con của tập đoàn Daqo New Energy Corp có trụ sở ở Trùng Khánh, Xinjiang East Hope Nonferrous Metals - công ty kim loại màu thuộc Tập đoàn sản xuất East Hope đóng tại Thượng Hải, Xinjiang GCL New Energy Material - một chi nhánh của GCL New Energy Holdings có trụ sở ở Hong Kong và Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC).
Theo Bộ Thương mại Mỹ, các công ty này và XPCC "có liên quan đến hành vi vi phạm nhân quyền”, “bắt giữ người hàng loạt một cách tùy tiện, cưỡng bức lao động và dùng công nghệ cao giám sát người Duy Ngô Nhĩ, Kazakh và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương”.
Theo một báo cáo của ngành năng lượng Mặt Trời, các nhà máy ở Tân Cương sản xuất khoảng 45% nguồn cung silic đa tinh thể (polysilicon) trên toàn cầu. Đây là nguyên liệu chính của các tấm pin Mặt Trời và chất bán dẫn.
Mặc dù Tân Cương là nơi sản xuất polysilicon quan trọng, nhưng chúng sẽ được gửi đến các nhà máy ở các khu vực khác của Trung Quốc và các quốc gia khác để gia công thêm trước khi được lắp thành các tấm pin Mặt Trời xuất khẩu sang Mỹ./.