Trung Quốc cảnh báo về 'hậu quả không tưởng' khi ép cường quốc hạt nhân vào chân tường

Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc mới đây cho rằng NATO đã gây ra bất ổn dẫn đến xung đột Nga-Ukraine.

Trung Quốc cảnh báo

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng cho rằng sự toàn cầu hóa không nên bị "vũ khí hóa" và chính trị kiểu khối quân sự phải bị "hủy bỏ". Bình luận trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình về hậu quả nếu Bắc Kinh ủng hộ hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc tế về An ninh và Chiến lược lần thứ 4 ở Bắc Kinh hôm 19/3, quan chức Trung Quốc đồng ý với đánh giá của Moscow rằng sự mở rộng không kiểm soát của NATO ở Đông Âu và việc không giải quyết được các lo ngại về an ninh quốc gia của Nga đã mở đường cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông nói rằng một cam kết đơn giản "không mở rộng về phía đông có thể dễ dàng chấm dứt cuộc khủng hoảng và chấm dứt đau khổ."

"Thay vào đó, khối NATO chọn cách thêm dầu vào lửa từ một khoảng cách an toàn, còn những kẻ buôn bán vũ khí, chủ ngân hàng và ông trùm dầu mỏ của họ kiếm được tiền từ chiến tranh, trong khi để lại người dân của một đất nước nhỏ bé với vết thương chiến tranh sẽ mất nhiều năm chữa lành," ông Le tuyên bố.

Ảnh: AP / Olivier Matthys

Ảnh: AP / Olivier Matthys

Thứ trưởng Trung Quốc cho rằng việc NATO theo đuổi "an ninh tuyệt đối" đã dẫn đến "phi an ninh tuyệt đối". Hậu quả của việc dồn một cường quốc, đặc biệt là cường quốc hạt nhân vào chân tường, càng không thể tưởng tượng nổi.

Moscow đã kịch liệt phản đối sự hiện diện của binh sĩ khối NATO gần biên giới nước này và lên tiếng phản đối sự mở rộng của NATO về phía đông. Tuy nhiên, ông Putin cho rằng những lo ngại của Nga đã bị phương Tây phớt lờ. Trong khi đó, Ukraine vẫn khẳng định hành vi của Nga tại nước này là phi nghĩa và liên tục kêu gọi sự trợ giúp từ Mỹ cùng các quốc gia EU.

Quan điểm của Trung Quốc

Tổng thống Vladimir Putin đã công bố thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào ngày 24/2, với mục tiêu là "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" chính phủ ở Kiev, đảm bảo rằng Ukraine không ẩn chứa mối đe dọa cho Nga hoặc các nước cộng hòa Donbass do Nga đơn phương công nhận.

Mỹ và các đồng minh NATO cáo buộc Nga bắt đầu một cuộc chiến tranh "vô cớ" để chiếm lãnh thổ Ukraine. Ngay sau đó, Moscow vấp phải hàng loạt biện pháp kiềm chế và trừng phạt khắc nghiệt, với việc Mỹ, EU và nhiều quốc gia khác đang tìm cách "cô lập" và "phá hủy" nền kinh tế Nga.

"Lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng các biện pháp trừng phạt không thể giải quyết được vấn đề", ông Le nói. "Các lệnh trừng phạt chống lại Nga ngày càng thái quá... Các lệnh trừng phạt sẽ chỉ gây hại cho người dân bình thường, tác động đến hệ thống kinh tế và tài chính... và làm tổn hại nền kinh tế toàn cầu."

Bắc Kinh đã phải chịu áp lực ngày càng tăng từ phương Tây nhằm tạo khoảng cách với Moscow và cắt đứt quan hệ thương mại, sau khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án hành động quân sự của Nga ở Ukraine, lựa chọn giữ thái độ trung lập cùng với Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi và 30 quốc gia khác.

Trong cuộc gọi hội nghị video với Tổng thống Biden vào ngày 18/3, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Bắc Kinh luôn đứng lên "vì hòa bình và phản đối chiến tranh", kêu gọi tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra giữa Moscow và Kiev cần tuân thủ phương thức ngoại giao. Đáp lại, ông Biden đã cảnh báo ông Tập rằng Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với "hậu quả" nếu cung cấp hỗ trợ vật chất hoặc giúp Moscow né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo Tấn Đạt/Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/trung-quoc-canh-bao-ve-hau-qua-khong-tuong-khi-ep-cuong-quoc-hat-nhan-vao-chan-tuong/20220320080249621