Trung Quốc: Cánh cửa đến giải pháp hòa bình tại Ukraine chưa hoàn toàn đóng lại
Trung Quốc kêu gọi hành động nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang tại Ukraine, đồng thời kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Trung Quốc ngày 24-2 đã kêu gọi hành động nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang tại Ukraine, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin.
Bắc Kinh đồng thời kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc - ông Trương Quân (Zhang Jun) - hôm 24-2 không nêu đích danh Nga, cũng như không bày tỏ sự tán thành hay lên án tuyên bố độc lập của Nga đối với các khu vực Donetsk và Luhansk của Ukraine hay quyết định triển khai binh sĩ của ông Putin.
“Tình hình Ukraine đang ở thời điểm quan trọng và Trung Quốc rất lo ngại về điều đó… Tất cả các bên liên quan phải kiềm chế và tránh leo thang căng thẳng hơn nữa. Chúng tôi tin rằng cánh cửa dẫn đến một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine chưa hoàn toàn đóng lại và không nên đóng lại” – ông Trương nói.
“Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện nguyên tắc an ninh không thể chia cắt, tiếp tục tham gia đối thoại và tham vấn và tìm kiếm các giải pháp hợp lý giải quyết các mối quan tâm của nhau thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau” – vị đại sứ nói thêm.
SCMP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Hoa Xuân Ánh - cho biết: “Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ diễn biến và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế nhằm ngăn chặn tình hình vượt quá tầm kiểm soát”.
Căng thẳng liên quan Ukraine leo thang hôm 24-2 khi ông Putin tuyên bố mở một chiến dịch quân sự đặc biệt ở các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.
Phía Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên án hành động của Nga. và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cáo buộc nhà lãnh đạo Nga đã phát động một "cuộc xâm lược toàn diện".
Sau tuyên bố của ông Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố "thế giới sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm" về các hành động của mình.
Theo SCMP, Bắc Kinh đến nay vẫn không thể hiện đứng về phía nào trong cuộc khủng hoảng giữa Ukraine-Nga. Hôm 24-2, Đại sứ Trương nói rằng tình hình hiện tại ở Ukraine “bắt nguồn từ một mạng lưới phức tạp của các yếu tố lịch sử và hiện tại”.
Trước đó, phía Trung Quốc nói rằng mối quan tâm an ninh của Nga - phản đối việc NATO chấp nhận Ukraine - cần được tôn trọng và hiểu rõ.
Sau khi ông Putin tuyên bố Donetsk và Luhansk là các quốc gia độc lập, ông Trương nói rằng lợi ích an ninh của tất cả quốc gia cần được tôn trọng và bảo vệ.
Các nhà quan sát ngoại giao Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh phải đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh cần duy trì quan hệ tốt với Nga trong bối cảnh nước này đang gia tăng đối đầu với Mỹ trong khi khó tán thành động thái của ông Putin.
Trong tuyên bố chung sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp ông Putin bên lề Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh ngày 4-2, hai bên cho biết một số quốc gia tiếp tục thúc đẩy cách tiếp cận đơn phương trong quan hệ quốc tế và can thiệp vào công việc nội bộ của những quốc gia khác.
Bắc Kinh và Moscow cho biết họ phản đối sự mở rộng của NATO - mối quan tâm chính của Nga trong cuộc khủng hoảng với Ukraine, đồng thời mô tả đây là cách tiếp cận thời Chiến tranh Lạnh đối với các vấn đề quốc tế.