Trung Quốc: Cha mẹ bất lực với chứng nghiện điện thoại của con

Ngày nay, trẻ em Trung Quốc thích điện thoại và iPad bởi nếu có kết nối Internet, các em sẽ được chơi game, xem video giải trí không biết chán.

Trẻ em Trung Quốc sử dụng điện thoại từ rất sớm.

Trẻ em Trung Quốc sử dụng điện thoại từ rất sớm.

Đối với phụ huynh, cuộc chiến chống lại cơn nghiện điện thoại là vô cùng khó khăn.

Một ngày nghỉ, cậu bé Guoguo, 7 tuổi, sống tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, bắt đầu la khóc. Tiếng hét chói tai của em vang khắp tòa chung cư nhưng không ai cảm thấy phiền toái do đã quen với điều này. Họ biết rõ Guoguo nổi cơn tam bành vì bị bố mẹ tịch thu điện thoại thông minh.

Lớn lên trong gia đình thuộc tầng lớp lao động, Guoguo có một chị sinh đôi tên Tangtang và chị gái 12 tuổi tên Panpan. Chị Fang, 35 tuổi, mẹ cậu bé cho biết, cặp song sinh bị ám ảnh với điện thoại thông minh dù chưa biết đọc, biết viết. Không cần nhập chữ, Guoguo nhanh nhẹn sử dụng tính năng nhập liệu bằng giọng nói để chơi điện thoại của bố mẹ.

Tại trường, khi được cô giáo hỏi 3 điều yêu thích nhất, Guoguo đã trả lời: “Thứ nhất là chơi điện thoại và thứ hai là xem người khác chơi điện thoại”. Được cô giáo gợi ý, cậu bé miễn cưỡng nói thêm là thích học tập. Không chỉ Guoguo, Tangtang cũng chung cảnh ngộ tương tự.

Để giúp 2 con thoát khỏi cơn nghiện điện thoại, chị Fang đưa các cháu đi chơi, hướng dẫn dùng thiết bị công nghệ vào học tập. Ngược lại, mối quan hệ gia đình trở nên căng thẳng. Vì không thể cách ly các con hoàn toàn khỏi điện thoại, bà mẹ biến thiết bị này thành công cụ để kỷ luật.

Là cậu bé hiếu động, Guoguo thường xuyên phá phách, nghịch ngợm. Nhưng khi bảo rằng có thể chơi điện thoại, cậu bé liền trở nên ngoan ngoãn. Còn Tangtang hay xao nhãng khi làm bài tập nhưng có thể tập trung nếu được phép xem phim hoạt hình 10 phút sau khi hoàn thành công việc.

Panpan là đứa trẻ duy nhất trong nhà được sử dụng điện thoại bởi cô bé đang học lớp 6 và cần thiết bị để tham gia lớp học trực tuyến và nộp bài tập. Cô bé sử dụng điện thoại khi tra từ điển, đặt báo thức hoặc làm phép tính.

Tại Trung Quốc, nhiều phụ huynh khác đang lâm vào tình thế khó xử như chị Fang khi con cái quá phụ thuộc vào điện thoại thông minh và thiết bị giải trí điện tử. Nhiều gia đình phải chống lại thiết bị điện tử ngay từ ngày trẻ sinh ra.

Khi được hỏi liệu có thể kiểm soát cơn nghiện điện thoại thông minh của các con hay không, chị Fang bày tỏ cảm thấy bất lực. Câu hỏi làm thế nào để kỷ luật trẻ em khi điện thoại di động đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống cũng là bài toán nan giải của xã hội.

Trong thế hệ này, những bậc phụ huynh như chị Fang đang cố gắng cân bằng giữa kiểm soát, quan tâm và thấu hiểu con cái để biến điện thoại thành công cụ hỗ trợ thay vì phụ thuộc vào chúng.

Đối với gia đình ba con tại Trung Quốc, áp lực kinh tế là vô cùng lớn. Những người con của chị Fang tham gia nhiều khóa học học thuật lẫn nghệ thuật như khiêu vũ, piano, thư pháp, thuyết trình… Mỗi năm, học phí cho các cháu là gần 100.000 nhân dân tệ. Dù muốn đưa con đi du lịch, gần gũi với thiên nhiên, chị Fang thừa nhận nguồn lực là có hạn.

“Đến cuối cùng, nhu cầu chủ yếu của các con tôi là tình cảm. Nếu cha mẹ ít quan tâm, điện thoại chính là nguồn hạnh phúc rẻ tiền mà các cháu bấu víu”, chị Fang cho hay.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/trung-quoc-cha-me-bat-luc-voi-chung-nghien-dien-thoai-cua-con-1a12i8ong.html