Trung Quốc chỉ trích Mỹ sau vụ tên lửa Trường Chinh rơi tự do
Truyền thông Trung Quốc chỉ trích các nước phương Tây 'cường điệu hóa' và 'bôi nhọ' việc tên lửa Trường Chinh 5B rơi không kiểm soát xuống Trái Đất.
Tên lửa Long March 5B (Trường Chinh 5B) của Trung Quốc rơi không kiểm soát xuống Trái Đất là sự kiện được thế giới chú ý trong tuần qua. Việc Trung Quốc im lặng trước thông tin trên khiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thiên văn không hài lòng.
Đến sáng 9/5 (giờ Bắc Kinh), Văn phòng Kỹ thuật Vũ trụ có Người lái Trung Quốc (CMSEO) mới xác nhận mảnh vỡ của Long March 5B đã rơi xuống vùng biển Ấn Độ Dương gần Maldives, phần còn lại bị bốc cháy trong bầu khí quyển.
"Họ ghen tị với sự tiến bộ của Trung Quốc"
Bên cạnh thông tin xác nhận tên lửa rơi xuống biển, truyền thông Trung Quốc cho rằng những tờ báo phương Tây đang thổi phồng sự việc, làm mất uy tín về chương trình khám phá không gian của đất nước tỷ dân.
“Sự cường điệu và bôi nhọ của họ là vô ích”, CNN trích dẫn một nguồn tin Trung Quốc, nói rằng các nhà khoa học Mỹ đang “hành động trái lương tâm” và “phản trí tuệ”.
“Những người này đang ghen tị với sự tiến bộ của công nghệ vũ trụ Trung Quốc… Một số họ thậm chí dùng lời lẽ ồn ào để cản trở các sứ mệnh phóng tên lửa tương lai của chúng tôi, với mục tiêu xây dựng trạm vũ trụ riêng”, trang này ghi.
Trước đó, Giám đốc Cơ quan Hàng Không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson đã chỉ trích Trung Quốc sau khi mảnh vỡ từ tên lửa Long March 5B rơi xuống biển Ấn Độ Dương.
“Rõ ràng Trung Quốc đã không đáp ứng tiêu chuẩn có trách nhiệm về rác thải vũ trụ”, ông Nelson nói trong tuyên bố ngày 9/5.
So với Nga (trước đây là Liên Xô) hay Mỹ, Trung Quốc là nước đi sau trong lĩnh vực vũ trụ. Họ phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1970, chậm hơn Liên Xô 13 năm và Mỹ 12 năm.
Trong thời gian gần đây, lĩnh vực khám phá vũ trụ của Trung Quốc càng được đầu tư và phát triển mạnh. Họ là quốc gia đầu tiên đưa tàu thăm dò lên vùng tối Mặt Trăng vào năm 2019, trước khi mang vài mẫu đất đá trên Mặt Trăng về Trái Đất cuối năm 2020.
Lý do Trung Quốc muốn xây trạm vũ trụ
Về phía Mỹ, nước này có hành động bị Trung Quốc coi là “thù địch”, nhằm ngăn cản sứ mệnh không gian của họ. Từ năm 1999, Mỹ đã áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ vệ tinh cho Trung Quốc.
Cuối năm 2011, Quốc hội Mỹ cũng thông qua luật hạn chế hợp tác giữa NASA với Trung Quốc. Đó là lý do phi hành gia Trung Quốc không được lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), trạm vũ trụ duy nhất trên quỹ đạo được hoàn thiện, vận hành nhờ sự hợp tác giữa Mỹ với Nga, châu Âu, Nhật Bản và Canada.
Đó là lý do Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ Tiangong (Thiên Cung), mang ý nghĩa “cung điện trên trời”. Cuối tháng 4, Long March 5B được phóng để mang module đầu tiên lên trạm vũ trụ. Nhưng sau đó, quả tên lửa rơi vào tình trạng mất kiểm soát cho tới khi dần bị trọng lực Trái Đất kéo xuống đất.
Dù chỉ trích phương Tây “làm lố” chuyện Long March 5B mất kiểm soát, truyền thông và chuyên gia Trung Quốc lại bỏ qua phần giải thích lý do tên lửa này khiến thế giới lo lắng.
Theo CNN, những giai đoạn phóng và đáp xuống Trái Đất của tên lửa có thể được dự đoán. Khi rơi xuống quỹ đạo, nhà sản xuất thường trang bị bộ phận kiểm soát, hướng tên lửa rơi xuống biển hoặc giữ lại trong “quỹ đạo rác” (graveyard orbit), giúp chúng lơ lửng ngoài không gian trong hàng chục năm.
Đây là sự cố thứ 2 liên quan đến dòng tên lửa Trường Chinh 5B. Năm ngoái, một mảnh vỡ 12 m của loại tên lửa này đã rơi xuống ngôi làng tại Bờ Biển Ngà, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và nhà ở. Ước tính nặng hơn 20 tấn, Long March 5B là vật thể không gian lớn nhất trở lại Trái Đất một cách không kiểm soát trong gần 3 thập kỷ qua.