Trung Quốc chính thức lên tiếng về các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa Moskva và Kiev
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hy vọng 'tất cả các bên có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình công bằng, lâu dài và ràng buộc, có thể được tất cả các bên chấp nhận, thông qua đối thoại và thương lượng'.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các cuộc tiếp xúc trực tiếp được nối lại giữa Moskva (Moscow) và Kiev sẽ đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này, và cam kết tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực giải quyết tình hình.
Kênh RT của Liên bang Nga ngày 20/5 cho biết Trung Quốc đã kêu gọi giải pháp hòa bình kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine leo thang vào năm 2022. Bắc Kinh cũng đã chỉ trích các lệnh trừng phạt đơn phương của phương Tây đối với Liên bang Nga và quy trách nhiệm cho việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là nguyên nhân thúc đẩy cuộc khủng hoảng. Năm 2023, Trung Quốc công bố đề xuất gồm 12 điểm, được Moskva đón nhận tích cực, nhằm giải quyết xung đột Ukraine thông qua một giải pháp chính trị tôn trọng hiện thực trên thực địa.
Bình luận về cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày thứ Ba (20/5) cho biết Bắc Kinh ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho hòa bình. Bà Mao nói rằng Trung Quốc ủng hộ đối thoại và đàm phán trực tiếp giữa Liên bang Nga và Ukraine, và hy vọng “tất cả các bên có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình công bằng, lâu dài và ràng buộc, có thể được tất cả các bên chấp nhận, thông qua đối thoại và thương lượng”.
Sau cuộc điện đàm, ông Trump tuyên bố Moskva và Kiev sẽ bắt đầu ngay lập tức các cuộc đàm phán về ngừng bắn. Trong khi đó, ông Putin cho biết Liên bang Nga sẽ phối hợp với phía Ukraine để xây dựng một bản ghi nhớ về hiệp ước hòa bình tiềm năng trong tương lai, trong đó sẽ nêu rõ “một loạt điều khoản”, bao gồm cả thời gian tạm ngừng bắn “nếu đạt được các thỏa thuận cần thiết”.
Khi được hỏi về vai trò tương lai của Trung Quốc trong việc hỗ trợ làm trung gian giải quyết xung đột Ukraine, bà Mao cho biết Bắc Kinh “sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế, phù hợp với nguyện vọng của các bên liên quan, để tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết khủng hoảng và đạt được hòa bình bền vững”.
Vào hôm 16/5, Liên bang Nga và Ukraine đã tổ chức vòng đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên kể từ khi Kiev đơn phương từ bỏ các cuộc đàm phán hòa bình tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2022. Trước đó vào hôm 11/5, ông Putin đã đề xuất khởi động lại tiến trình đàm phán, kêu gọi một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ.
Đầu tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lên tiếng ủng hộ việc đạt được một giải pháp công bằng và lâu dài cho cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời kêu gọi một “khái niệm an ninh toàn cầu toàn diện, hợp tác và bền vững”. Ông Tập cũng nhấn mạnh rằng “các mối quan ngại an ninh chính đáng của tất cả các quốc gia cần được xem xét nghiêm túc, và các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng cần phải được loại bỏ”.