Trung Quốc cho phép Mỹ cử chuyên gia y tế tới Vũ Hán
Trung Quốc đã cho phép các chuyên gia y tế Mỹ cùng phái bộ quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tới nước này, nhằm thực hiện các nỗ lực chung chống lại sự lây lan nhanh chóng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây ra.
Thông báo của Nhà Trắng sáng 4/2 (giờ Việt Nam) cho biết Bắc Kinh đã chấp nhận đề nghị của Mỹ về việc cử chuyên gia tham gia cùng phái bộ của WHO tới Trung Quốc nghiên cứu các biện pháp kiểm soát và tiến tới xóa sổ virus 2019-nCoV đang hoành hành tại thủ phủ Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, miền Trung nước này.
Trước đó, người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic cho biết một nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu có thể tới Trung Quốc sớm nhất là trong tuần này, để điều tra về tình trạng bùng phát của virus 2019-nCoV, theo thỏa thuận giữa Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Phát biểu trước báo giới, ông Jasarevic thông báo: “Một phái bộ đa ngành gồm các chuyên gia quốc tế tới Trung Quốc sẽ được thành lập, có thể trong tuần này… Phái bộ là một nhóm kỹ thuật quốc tế do WHO dẫn đầu. CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ) cũng có thể là một phần của phái bộ này”.
Trung Quốc đang tích cực triển khai mọi biện pháp có thể nhằm kiểm soát dịch bệnh. Trong ngày 3/2, nước này đưa vào hoạt động bệnh viện Hỏa Thần Sơn với 1.000 giường (được xây dựng chỉ trong 8 ngày) để điều trị cho những người nhiễm virus corona ở Vũ Hán. Theo kế hoạch, bệnh viện Lôi Thần Sơn với 1.600 giường bệnh cũng sẽ được hoàn tất và tiếp nhận bệnh nhân trong dịp cuối tuần này.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi tất cả các nước có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với dịch bệnh đang gây nhiều quan ngại hiện nay, qua đó tránh được tình trạng hoảng loạn trong xử lý dịch bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp của ban điều hành WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), ông kêu gọi tất cả các nước thực hiện các biện pháp xử lý dịch bệnh một cách hợp lý và phải căn cứ trên bằng chứng có sẵn. Ông nhấn mạnh quan trọng nhất hiện nay là tất cả các nước chú trọng công tác chuẩn bị ứng phó, tránh tình hoảng loạn.
Cũng trong bài phát biểu này, người đứng đầu WHO đánh giá cao các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Trung Quốc, cho rằng các biện pháp này không chỉ bảo vệ người dân Trung Quốc, mà còn góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang các nước khác.
Về công tác thông tin liên quan đến dịch bệnh, WHO kêu gọi tất cả các nước chia sẻ dữ liệu, thông tin và kinh nghiệm trong xử lý dịch bệnh với cơ quan này và thế giới. Ngoài ra, WHO cho rằng thế giới cần ngăn chặn việc phát tán những tin đồn, những thông tin sai lệch, xem xét các kế hoạch chuẩn bị, xác định những kẽ hở và tìm kiếm các nguồn lực cần thiết để nhanh chóng xác định, cách ly và chăm sóc các trường hợp nhiễm bệnh và ngăn chặn sự truyền nhiễm.
Theo kết quả nghiên cứu của chuyên gia y tế, virus Corona chủng mới mặc dù dễ lây lan hơn so với chủng virus đã gây ra dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) 2002 - 2003, song nguy cơ tử vong thấp hơn.
Một báo cáo về những giai đoạn đầu của dịch viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV đăng trên Tạp chí Y học Lancet cho biết hầu hết các bệnh nhân tử vong do virus này đều có các bệnh từ trước. Báo cáo này cho thấy trong số 99 bệnh nhân đầu tiên được điều trị ở Bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán, có 40 người có tiền sử bệnh tim hay mạch máu bị tổn hại, trong khi 12 người khác bị bệnh đái tháo tiểu đường. Virus Corona chủng mới gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp và các triệu chứng bắt đầu với sốt, sau đó là ho khan. Hầu hết những người nhiễm virus 2019-nCoV đều có thể bình phục hoàn toàn sau một tuần - cũng như đối với virus cúm bình thường.