Trung Quốc cho quan chức địa phương dùng trái phiếu để kích thích kinh tế

Các hướng dẫn của Hội đồng Nhà nước cho phép trái phiếu chiếm tỷ lệ lớn hơn trong tổng vốn đầu tư của dự án khi được sử dụng làm vốn chủ sở hữu đồng thời đơn giản hóa quá trình phê duyệt dự án.

“Bật đèn xanh” cho quan chức địa phương thúc đẩy đầu tư

Trung Quốc đang cho phép các quan chức địa phương đầu tư vào nhiều lĩnh vực hơn với trái phiếu Chính phủ đặc biệt, đồng thời đơn giản hóa quy trình phê duyệt với nỗ lực tận dụng tốt hơn nguồn tài trợ công quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế.

Chính quyền địa phương có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt của họ để đầu tư vào các dự án miễn là chúng không nằm trong danh sách đặc biệt do nội các công bố, chính phủ cho biết trong một tài liệu công bố ngày 25/12. Danh sách đó bao gồm các dự án không tạo ra bất kỳ lợi nhuận nào, các tòa nhà Chính phủ, các công trình như tác phẩm điêu khắc khổng lồ và bất động sản thương mại.

 Trung Quốc tìm cách thúc đẩy tăng trưởng bằng cách trao cho các quan chức địa phương quyền tự do đầu tư trái phiếu Chính phủ đặc biệt vào nhiều lĩnh vực hơn. (Nguồn: Raul Ariano/Bloomberg (Raul Ariano/Bloomberg)

Trung Quốc tìm cách thúc đẩy tăng trưởng bằng cách trao cho các quan chức địa phương quyền tự do đầu tư trái phiếu Chính phủ đặc biệt vào nhiều lĩnh vực hơn. (Nguồn: Raul Ariano/Bloomberg (Raul Ariano/Bloomberg)

Mười một khu vực, bao gồm một số nền kinh tế tỉnh lớn nhất như Quảng Đông, sẽ được phép phê duyệt các dự án được tài trợ bởi trái phiếu. Trước đây, tất cả các địa phương cần được cơ quan kế hoạch kinh tế hàng đầu của quốc gia và Bộ Tài chính chấp thuận trước khi bán trái phiếu.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã đặt việc thúc đẩy nhu cầu trong nước là ưu tiên hàng đầu của họ đối với nền kinh tế vào năm 2025 vì sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu đang bị đe dọa bởi một cuộc chiến thương mại thứ hai tiềm tàng với Mỹ. Đầu tư của Chính phủ vẫn là một đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng ngay cả sau khi Bắc Kinh cam kết tập trung nhiều hơn vào tiêu dùng vì sự sẵn sàng chi tiêu của người dân vẫn chậm chạp.

Trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương đã phát triển để trở thành nguồn tài trợ chính cho các dự án cơ sở hạ tầng trong thập kỷ qua. Nhưng các khu vực ngày càng phải vật lộn để tìm kiếm các dự án phù hợp đáp ứng các tiêu chí khi lợi nhuận đầu tư giảm trên toàn nền kinh tế. Doanh số bán trái phiếu chính quyền địa phương chậm trong năm nay, có nghĩa là hỗ trợ tăng trưởng bị suy yếu.

Các hướng dẫn của Hội đồng Nhà nước cũng cho phép trái phiếu chiếm tỷ lệ lớn hơn trong tổng đầu tư của dự án khi được sử dụng làm vốn chủ sở hữu. Nhiều lĩnh vực chính quyền địa phương có thể tham gia đầu tư hơn bao gồm công nghệ thông tin, chăm sóc người cao tuổi và chăm sóc trẻ em nếu đủ điều kiện để đầu tư.

Các nhà phân tích của Shenwan Hongyuan Group Co., bao gồm cả Zhao Wei, đã viết trong một văn bản công bố hôm 25/12 rằng: "Bằng cách mở rộng phạm vi đầu tư của trái phiếu đặc biệt và đẩy nhanh việc sử dụng chúng, trái phiếu sẽ có hiệu quả hơn trong việc ổn định tăng trưởng kinh tế".

Theo tài liệu này, chính quyền địa phương được phép sử dụng nhiều nguồn thu nhập hơn để trả gốc và lãi trái phiếu. Theo báo cáo của GF Securities, điều này cải thiện tính an toàn của các trái phiếu như vậy và tạo ra không gian cho nhiều sự bảo đảm hơn trong tương lai.

Ông Yuan Haixia, Giám đốc điều hành viện nghiên cứu tại China Chengxin International Credit Rating, cho biết việc trao cho các địa phương quyền phê duyệt các dự án của riêng họ sẽ đảm bảo các dự án phù hợp hơn với nhu cầu của nền kinh tế địa phương.

Theo tài liệu, Bắc Kinh yêu cầu các khu vực đẩy nhanh việc thành lập quỹ để đảm bảo họ có thể trả nợ trái phiếu. Chính phủ cũng cam kết sẽ "kiềm chế chặt chẽ" việc sử dụng sai mục đích trái phiếu, cảnh báo rằng các tỉnh có thể mất quyền phê duyệt nếu phát hiện ra những vi phạm nghiêm trọng.

Mở đường cho địa phương dùng trái phiếu mua nhà “ế”

Tước đó, trong cuộc họp báo vào ngày 12/10, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An đã tiết lộ về kế hoạch sử dụng trái phiếu và công cụ đặc biệt của chính quyền địa phương để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, Trung Quốc dự kiến cho phép chính quyền địa phương phát hành trái phiếu để mua nhà chưa bán được, nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.

 Một khu chung cư với dòng chữ quảng cáo "Căn hộ sẵn sàng chuyển đến" tại Thiên Tân, Trung Quốc, hơn một năm rưỡi sau khi các hạn chế do COVID-19 chấm dứt. (Nguồn: Newsweek)

Một khu chung cư với dòng chữ quảng cáo "Căn hộ sẵn sàng chuyển đến" tại Thiên Tân, Trung Quốc, hơn một năm rưỡi sau khi các hạn chế do COVID-19 chấm dứt. (Nguồn: Newsweek)

Ông Lam Phật An cho biết chính quyền trung ương có dư địa để mở rộng chi tiêu và cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để giảm gánh nặng nợ của chính quyền địa phương, bao gồm cả việc đưa ra hạn ngạch một lần “lớn” để hoán đổi nợ của họ với trái phiếu có lãi suất thấp.

Bộ trưởng Tài chính bổ sung rằng chính quyền đang cân nhắc các công cụ khác, ngoài những biện pháp được công bố tại cuộc họp báo. Hỗ trợ tài chính là mảnh ghép còn thiếu lớn nhất trong gói kích thích Bắc Kinh triển khai vào cuối tháng 9.

Ngày 24/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã công bố loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Ông Phan Công Thắng, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết sẽ cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm, hạ lãi suất chính sách và lãi suất chuẩn thị trường nhằm thúc đẩy tăng trưởng, cam kết thúc đẩy mở rộng tiêu dùng và đầu tư.

Theo thống đốc Phan Công Thắng, động thái này sẽ bơm khoảng 1.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 141,7 tỉ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường tài chính.

Lãnh đạo Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2024. Theo Bloomberg, việc mở rộng chi tiêu công hơn được cho rất quan trọng để phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang chịu áp lực giảm phát.

Các nhà kinh tế vốn định nghĩa giảm phát là sụt giảm kéo dài và trên diện rộng về mức giá chung đối với hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian.

Ông Robert Carnell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Tập đoàn ING (Hà Lan), cho rằng giảm phát là một tình trạng “nguy hiểm”, đặc trưng bởi sự sụt giảm của giá tiêu dùng cũng như giá tài sản và tiền lương, dẫn đến hoạt động kinh tế chậm lại rõ rệt.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-cho-quan-chuc-dia-phuong-dung-trai-phieu-de-kich-thich-kinh-te-post327564.html