Trung Quốc chung tay cùng Campuchia kiềm chế hoạt động tội phạm
Theo tờ Asia Nikkei, các doanh nghiệp Trung Quốc đang hỗ trợ những người bị lừa đảo trực tuyến tại Campuchia.
Ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, Campuchia, khoảng hơn mười người đang chờ trong hành lang một ngôi nhà an toàn. Đây là nơi ở của những người được giải cứu khỏi các băng nhóm tội phạm lừa đảo trực tuyến.
Thông qua mạng internet, các băng nhóm mở hội chợ trực tuyến và dụ người dân từ Trung Quốc và ngày càng nhiều quốc gia khác đến Campuchia với những hứa hẹn về việc làm được trả lương cao. Khi đến nơi, họ bị ép buộc, bị đe dọa bằng bạo lực.
Ông Lee, chủ sở hữu tòa nhà trên, nơi từng là một khách sạn, chia sẻ về hàng nghìn đô la mỗi tuần để nuôi sống và đáp ứng số lượng khách tới ở ngày càng tăng. Tất cả đều mắc kẹt ở Campuchia vì giá vé máy bay cao và việc tuân thủ các quy tắc trong mùa dịch Covid-19 khiến việc quay trở lại Trung Quốc về cơ bản là không thể.
"Họ sợ", Lee chia sẻ với Asia Nikkei. "Chúng tôi nói về những gì họ có thể muốn làm khi về nhà. Tôi cố gắng nói với họ rằng hãy quên đi những điều tồi tệ đã xảy ra."
Hệ lụy tới phát triển kinh tế
Theo tờ Asia Nikkei, Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi hành động về vấn đề này. Trong chuyến thăm vào tháng 9 tới Phnom Penh, nơi Trung Quốc điều hành một văn phòng thực thi pháp luật chung, ông Vương Nghị đã kêu gọi Campuchia giúp loại bỏ cờ bạc, lừa đảo trực tuyến.
Mặc dù thuật ngữ cờ bạc trực tuyến theo truyền thống được sử dụng để chỉ các trang web cung cấp trò chơi đánh bạc cho người chơi ở Trung Quốc nhưng cụm từ này hiện cũng dùng để mô tả các nhóm sử dụng lao động cưỡng bức để thực hiện các trò gian lận trực tuyến và qua điện thoại.
Dưới sự thúc giục từ Bắc Kinh, Campuchia đã cấm các hoạt động cờ bạc trực tuyến vào năm 2019. Nhưng dù Campuchia đã thực hiện một số chiến dịch nhằm vào tệ nạn này trong những tháng gần đây và giải thoát hàng chục con tin, thì các hoạt động này vẫn chưa thực sự hiệu quả, tờ Asia Nikkei nhận định.
Cùng với thiệt hại về con người, sự tồn tại của hoạt động bất hợp pháp này cũng có tác động kinh tế đối với Campuchia. Giám đốc điều hành của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Campuchia Pech Pisey nói rằng việc bị coi là "nơi tội phạm hoạt động mạnh" sẽ làm tổn hại đến đầu tư và du lịch.
Theo Asia Nikkei, tỉnh duyên hải Preah Sihanouk, nơi có một lượng lớn các sòng bạc và công ty cờ bạc trực tuyến, đã trở thành điểm nóng của các hoạt động lừa đảo qua mạng nhằm giam giữ người lao động.
Trong các bình luận được đăng trên tờ báo địa phương Khmer Times vào tháng này, tỉnh trưởng Kuoch Chamroeun thừa nhận rằng việc đưa tin liên tục trên mạng xã hội về vấn đề này sẽ gây rủi ro cho đầu tư: "Nếu chúng tôi vẫn gặp vấn đề với vụ này, sẽ không có ai đến kinh doanh ở Sihanoukville."
Gần đây nhất, vào tháng 11 Mỹ đã cảnh báo các nhà đầu tư về hoạt động ở Campuchia do có nguy cơ về hoạt động tội phạm, tài chính bất hợp pháp. Jason Tower, chuyên gia cấp cao của Viện Hòa bình Mỹ, cho biết: Vấn đề này là một đòn giáng vào hình ảnh của Campuchia. "Kết quả tiềm tàng là quan điểm của Trung Quốc về Campuchia có thể ngày càng trở nên không tốt khi họ tiếp xúc với ngày càng nhiều thông tin tiêu cực về quốc gia Đông Nam Á này", chuyên gia Tower nói.
Tự hành động để bảo đảm an toàn
Theo Nikkei Asia, tội phạm cũng trở thành một nỗi lo lớn đối với cộng đồng người Hoa sống ở Campuchia. Đầu tháng này, 11 phòng thương mại của Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung công khai hiếm hoi, bày tỏ lo ngại về "tình hình ngày càng tồi tệ hơn." Họ cho rằng tội phạm đã "đe dọa cuộc sống và an toàn" của những người Hoa kiều ở Campuchia. Lập luận này nhận được nhiều sự đồng tình của cộng đồng người Hoa ở Campuchia.
Zhang, một nhà đầu tư tại thành phố ven biển Sihanoukville, cho biết ông và các doanh nhân Trung Quốc muốn tổ chức một đội tuần tra để ngăn chặn các vụ bắt cóc, nhưng chính quyền địa phương không cho phép. Tuy nhiên, họ tìm thấy sự an toàn khi đi đông người. "Mỗi lần đi chơi, chúng tôi sẽ có ba hoặc bốn người cùng đi", ông nói.
Các phòng thương mại Trung Quốc hiện đã bắt đầu thực hiện các bước đi chủ động để giải quyết các mối quan tâm của cộng đồng. Họ dự kiến thiết lập các đường dây 24 giờ tiếp nhận thông tin và có thể cấp phần thưởng cho những người cung cấp thông tin. Khách sạn 23 phòng của Lee ở ngoại ô Phnom Penh là một trong số những cơ sở tương tự được mạng lưới tình nguyện viên Trung Quốc sử dụng để chăm sóc cho gần 150 người mà họ đã giúp đỡ thoát khỏi lao động cưỡng bức và lạm dụng.
Tuy nhiên, tình trạng của những người này đang rất khó khăn khi họ không đủ khả năng mua vé về nước và thường xuyên thiếu hộ chiếu hoặc thị thực. Một số ít đã tìm được việc làm, làm việc trong các nhà hàng hoặc nhà máy. Nhưng phần lớn họ vẫn phụ thuộc vào mạng lưới tình nguyện viên gồm các doanh nhân tư nhân, những người có nguồn lực ngày càng bị hạn chế. Với số tiền tiết kiệm chỉ đủ để lo cho những người được giải cứu tại nhà của mình trong khoảng ba tháng, Lee, một cựu giám đốc xưởng may, hy vọng tình hình đi lại sẽ sớm được cải thiện. "Tôi đã đóng cửa khách sạn.Tôi muốn bảo đảm an toàn cho họ và không muốn mạo hiểm với những người từ các công ty cờ bạc trực tuyến đến đây hoặc có nguy cơ bùng phát Covid-19".