Trung Quốc có đủ USD để trụ được thương chiến kéo dài với Mỹ
Dự trữ ngoại hối 3,1 ngàn tỉ USD của Trung Quốc có thể không đủ để chống đỡ nền kinh tế trong một cuộc khủng hoảng.
Chính phủ Trung Quốc đang sở hữu kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, nhưng gần đây đã phải nỗ lực chặn các kênh đen nhằm ngăn “chảy máu” ngoại tệ trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng.
Việc Bắc Kinh ngày càng xem xét kỹ lưỡng việc sử dụng đồng đô la Mỹ của các công ty và cá nhân Trung Quốc trong khi chưa có bất kỳ dấu hiệu khủng hoảng tài chính nào, cộng với nỗ lực thúc đẩy thu hút vốn nước ngoài, đã làm dấy lên sự nghi ngờ của các nhà phân tích rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang lo lắng về nguy cơ thiếu USD.
Nhìn bề ngoài, Trung Quốc sẽ phải là quốc gia cuối cùng trên thế giới lo lắng về việc thiếu hụt USD, khi có tới 2/3 kho dự trữ ngoại hối tổng trị giá 3,1 ngàn tỉ USD của họ. Lãi suất USD của Trung Quốc cho các khoản tiết kiệm thời hạn một năm đã tăng lên khoảng 3,4% so với 2,4% vào tháng 8 năm ngoái, theo số liệu của Thomson Reuters.
Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các nhà phân tích cho rằng kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ và đồng tiền tương đối ổn định không phản ánh được áp lực thực sự đằng sau nền kinh tế, bởi mối quan ngại là những nguồn dự trữ này có thể không đủ để cung cấp một vùng đệm an toàn cần thiết cho chi trả trong hoạt động nhập khẩu và thanh toán nợ nếu như đồng nhân dân tệ đối mặt với một cuộc sụt giảm giá mạnh.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ là trung tâm của một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán nặng nề tương tự như cuộc khủng hoảng mà Argentina đã trải qua trong năm ngoái. Quốc gia Nam Mỹ này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tiền tệ và đình trệ kinh tế do những thiếu sót về cấu trúc đã kiềm chế nhu cầu thực sự và ngăn cản nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
“Nếu xảy ra một cú sốc bất ngờ, Trung Quốc sẽ không có đủ đôla Mỹ để hỗ trợ đồng nội tệ”, ông Kevin Lai, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách châu Á của Daiwa Capital Markets nhận định. “Vì thế đó là lý do tại sao Trung Quốc cần ngừng dòng tiền ra trong khi tạo ra dòng tiền vào để hỗ trợ đồng nhân dân tệ”.
Giống như đồng tiền của các quốc gia có chủ quyền khác, đồng nhân dân tệ được hỗ trợ bởi dự trữ ngoại hối, vốn phần lớn được đầu tư vào chứng khoán Kho bạc Mỹ. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - ngân hàng trung ương - có thể cần những tài sản đó không chỉ để hỗ trợ đồng nhân dân tệ bằng cách can thiệp vào thị trường ngoại tệ, mà còn bảo lãnh cho hệ thống ngân hàng trong nước.
Rủi ro là nếu các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc không hiệu quả, khiến dòng vốn rút ra và lượng dự trữ còn lại không dễ chuyển đổi thành tiền mặt, thì ngân hàng trung ương sẽ sớm không có đủ tiền để duy trì sự ổn định tiền tệ.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào tháng 7 năm ngoái, đã có những lo ngại về sự sụt giảm tăng trưởng mạnh hơn so với dự kiến của nền kinh tế Trung Quốc, điều này sẽ đẩy nhanh dòng vốn chảy ra và làm giảm nguồn cung USD trong hệ thống tài chính trong nước.
Các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng, bằng cách “đào” sâu hơn vào tiền tiết kiệm của mình, thậm chí để dự trữ ngoại tệ tụt xuống dưới mức 'an tâm' là 3 nghìn tỷ USD, có thể dẫn đến tệ đầu cơ thị trường và tạo ra một chu kỳ luẩn quẩn của dòng vốn và sụt giảm giá trị tiền tệ.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã duy trì dự trữ ngoại tệ ổn định ở mức khoảng 3,1 nghìn tỷ USD kể từ khi "đốt" gần 1 nghìn tỷ USD giai đoạn từ giữa năm 2014 đến 2017 để bảo vệ đồng nhân dân tệ. Dự trữ của Trung Quốc hiện chỉ còn chiếm chưa đến 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm so với mức 48% trong năm 2010. Đồng thời, nợ nước ngoài của nước này đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại là 1,97 nghìn tỷ USD vào năm ngoái. Điều này có nghĩa là 3,1 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối của Trung Quốc lớn gấp khoảng 1,6 lần nợ nước ngoài và chỉ đủ để chi trả cho 12 tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Điểm yếu cơ bản của Trung Quốc nằm ở chỗ chính phủ là chủ sở hữu cuối cùng của gần như tất cả các khoản nợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức nhà nước khác được hưởng sự bảo đảm ngầm từ chính phủ và các hình thức ưu đãi khác. Tổng số trái phiếu phát hành của Trung Quốc đã tăng lên 1 nghìn tỷ USD trong năm 2018, từ 927 triệu USD năm 2017 và 774 triệu USD trong năm 2015, theo dữ liệu từ Dealogic. Trong khi đó, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nợ doanh nghiệp ở nước này đứng ở mức 155% GDP trong quý II / 2018, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác và khó có thể bền vững. Để so sánh, mức nợ doanh nghiệp của Nhật Bản là 100% GDP và của Mỹ là 74%.
Khi cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang, chính phủ đang âm thầm thắt chặt dòng tiền ra bên ngoài, mặc dù theo luật pháp Trung Quốc, công dân được phép rút tới 50.000 USD mỗi năm. Các ngân hàng Trung Quốc cũng đang xem xét kỹ lưỡng việc rút tiền ngoại tệ từ 3.000 USD trở lên trong bất kỳ giao dịch nào, giảm so với mức 5.000 USD trước đó.
Cựu cố vấn Ngân hàng trung ương Yu Yongding cho biết cá nhân ông đã bị từ chối chuyển 20.000 USD từ tài khoản cá nhân ra nước ngoài. Theo ông Yu, ngân hàng nêu lý do ông đã hơn 65 tuổi.
Một bằng chứng rõ rệt khác cũng cho thấy nguồn cung USD trong nội địa Trung Quốc đang giảm đi đó là chi phí huy động USD tăng cao trong năm nay. Theo số liệu của Thomson Reuters, lãi suất huy động USD của Trung Quốc kỳ hạn một năm đã tăng từ mức 2,4% hồi tháng 8/2018 lên khoảng 3,4% ở thời điểm hiện tại.
Trong một tuyên bố trả lời yêu cầu của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) cho biết họ đảm bảo đầy đủ việc sử dụng ngoại hối đúng và hợp pháp của các cá nhân” và mọi công dân Trung Quốc tại Trung Quốc có quyền mua ngoại tệ trị giá 50.000 USD mỗi năm. SAFE cũng nói thêm rằng không có giới hạn độ tuổi đối với việc mua USD.