Trung Quốc: Có người mua 300kg gạo sau thông báo tích trữ nhu yếu phẩm
Thông báo về việc khuyến khích các gia đình tích trữ nhu yếu phẩm của Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) công bố mới đây, đã khiến người dân ở nhiều địa phương nước này, trong đó có thủ đô Bắc Kinh vội vàng tích trữ lương thực. Cá biệt có người mua tới 300kg gạo sau lời kêu gọi.
Người dân Trung Quốc lo lắng tích trữ nhu yếu phẩm
Những ngày qua, người dân ở hàng loạt địa phương, trong đó có các thành phố lớn như Bắc Kinh, Trùng Khánh đã đổ xô đi mua thực phẩm và các loại hàng thiết yếu. Dịch bệnh lan rộng cùng dự báo về thời tiết khắc nghiệt có thể xảy ra vào mùa Đông khiến không ít người Trung Quốc lo lắng, đặc biệt là sau thông báo ngày 1/11 của Bộ Thương mại nước này.
Tại Bắc Kinh, hiện tượng mua hàng tích trữ bắt đầu từ chiều 02/11 và tiếp diễn sang cả ngày 03/11. Các mặt hàng chính được người dân mua nhiều là gạo, bột mỳ và các đồ gia vị. Nhân viên một siêu thị đã dùng từ “điên cuồng” để miêu tả việc người dân giành mua nhu yếu phẩm: “Ngày hôm qua (02/11) và hôm nay (03/11) khá là điên cuồng. Hãy nhìn chỗ để mỳ ăn liền kia, chúng tôi đã bán gần hết rồi.”
Ông Vương Kiện, Tổng giám đốc siêu thị Wumart ở Tam Lý Hà (Sanlihe) cho biết, doanh số bán gạo, mì, lương thực và dầu ăn của cửa hàng đã tăng hơn gấp đôi. “Lượng hàng bổ sung của chúng tôi cũng tăng hơn gấp đôi. Tuy nhiên, bổ sung nhanh thì giành mua cũng nhanh, một số mặt hàng đã được khách hàng lấy trước khi lên kệ. Hôm nay (03/11), nhiều kệ đều đã trống.”
Theo miêu tả của tờ Tân Kinh, từ tối 02/11, hiện tượng mua hàng tích trữ bắt đầu xảy ra, chủ yếu là khách trung niên và cao tuổi. Ngoài các mặt hàng lương thực, người dân còn mua cả bột giặt, xà phòng, nước diệt khuẩn. Có siêu thị, người dân còn giành mua cả rau củ, đặc biệt là các loạt có thể để được lâu, như cải thảo, hành tây, khoai tây...
Trùng Khánh, một đại đô thị sầm uất ở phía Tây Nam Trung Quốc, cũng trong tình trạng tương tự. Nhân viên của một siêu thị lớn ở quận Sa Bình nói với JiMu News rằng, kể từ chiều 02/11, kiểu “tranh cướp mua hàng” bắt đầu xuất hiện tại đây. Các sản phẩm như gạo, dầu ăn, thịt lợn và bột mì đặc biệt bán chạy, một số mặt hàng bị thiếu. Nhân viên này cho biết, kiểu mua bán trong hoảng loạn này chủ yếu là do một số người “lo lắng quá mức” về việc thiếu hàng hóa sau khi có thông báo của Bộ Thương mại.
Cảnh tượng tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nơi vừa xảy ra trận lũ lịch sử hồi tháng 7, khiến hơn chục người thiệt mạng trong ga tàu điện ngầm vì ngập nước, cũng không khác là bao.
Ông Giả, một blogger chuyên phân tích về ngành lương thực cho biết, từ ngày 02/11, ông đã nhận được nhiều tin nhắn từ cư dân mạng chia sẻ về các vụ giành mua lương thực ở các tỉnh An Huy, Sơn Đông... Ông cũng đến 2 siêu thị lớn ở Trịnh Châu để quan sát. “Đúng là nhiều người đến siêu thị để mua lương thực, một số mua đến 2, 3 bao một lúc”, ông Giả xác nhận.
Hôm 03/11, nhân viên một siêu thị ở quận Thiên Ninh, thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc cũng cho biết, ngay từ sáng sớm, rất đông người dân đã đổ xô đến đây mua nhu yếu phẩm, lúc cao điểm phải đợi gần hai tiếng mới có thể thanh toán. Gạo, bột mì, dầu ăn là những mặt hàng được mua nhiều nhất. Hiện tại họ đã phải ngừng bán hàng trực tuyến, vì từ sáng sớm ngày 03/11, người dân đã ồ ạt đặt hàng.
“Hiện tại, đơn hàng đã xếp sang đến ngày 04/11”.
Tại thành phố Khải Đông, cũng ở tỉnh Giang Tô, nhiều khách hàng xếp hàng dài chờ thanh toán ở các siêu thị và cửa hàng. Theo nhân viên một siêu thị ở đây, “hiện tại, không còn mấy sản phẩm như bột mì, gạo trên kệ nữa, các đơn hàng online cũng rất nhiều”. Chiều 03/11, cán bộ Sở Thương mại thành phố cho biết, hai ngày qua, một số người dân trong thành phố đã tích trữ hàng hóa một cách “phi lý”, thậm chí có người mua một lúc tới 300kg gạo.
Cơ quan chức năng trấn an
Trước tình trạng giành giật mua hàng xảy ra một cách bất thường ở nhiều nơi, cơ quan chức năng Trung Quốc đã buộc phải vào cuộc để gạt bỏ những lo lắng của người dân.
Theo Sở Thương mại thành phố Thường Châu, sở dĩ xảy ra tình trạng này là bởi 2 lý do: thứ nhất, tác động của “Thông báo về công tác đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá cả” của Bộ Thương mại Trung Quốc; thứ hai, thành phố này vừa báo cáo 3 ca Covid-19 mới. Cơ quan này đã điều tra sơ bộ các nguồn hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố, “nguồn cung của các siêu thị lớn và chợ dân sinh về cơ bản vẫn bình thường”. Họ khuyến cáo người dân mua sắm hợp lý và không nên quá lo lắng.
Phụ trách Sở Thương mại Bắc Kinh cũng vừa lên tiếng chiều 03/11 cho biết, nguồn cung hàng hóa ở đây hiện đang ổn định, nguồn cung và dự trữ lương thực, dầu ăn thậm chí dư thừa. Hàng dự trữ ở các chợ đầu mối, siêu thị, doanh nghiệp thương mại điện tử và các nhà cung ứng trực tiếp dồi dào.
Trước đó, chỉ một ngày sau khi thông báo kêu gọi các gia đình “tích trữ một lượng nhất định nhu yếu phẩm cho nhu cầu hàng ngày và trong trường hợp khẩn cấp” của MOFCOM gây xôn xao dư luận, hôm 02/11, tờ Nhật báo Kinh tế của Trung Quốc đã phải đăng bài, khẳng định mục đích thông báo là để đảm bảo người dân chuẩn bị trước cho kịch bản phong tỏa hoặc cách ly do đợt bùng phát Covid-19 mới.
“Về lâu dài, thông báo này cũng thúc đẩy người dân nâng cao nhận thức về quản lý khẩn cấp, tăng dự trữ nhu yếu phẩm trong các hộ gia đình để củng cố hệ thống đối phó khẩn cấp quốc gia”, tờ báo viết.
Cùng ngày, Vụ trưởng Vụ Xúc tiến Tiêu dùng Bộ Thương mại Trung Quốc Chu Tiểu Lương trấn an người dân rằng không có mối đe dọa cận kề nào đối với nguồn cung thực phẩm. “Nhìn vào tình hình hiện tại, các địa phương đều có đủ nguồn cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày, nguồn cung hoàn toàn có thể đảm bảo”.
Thời gian gần đây, giá rau ở Trung Quốc tăng đột biến. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này được cho là thời tiết xấu. Trong tuần cuối cùng của tháng 10, giá trung bình 19 loại rau do Bộ Nông nghiệp nước này theo dõi tại 286 chợ đầu mối trên cả nước đã tăng 49,1% so với một năm trước và tăng 13,5% so với một tuần trước đó. Tháng 10, giá bán buôn trung bình 28 loại rau cũng tăng 16% so với tháng 9.
Việc tăng giá đã khiến các nhà kinh tế lo ngại rằng lạm phát giá nguyên liệu và sản xuất đang lan sang các sản phẩm tiêu dùng. Tuy nhiên, không có dấu hiệu Trung Quốc thiếu rau.
Theo bà Quan Lợi Hân, Phó Viện trưởng Viện tiêu thụ và lưu thông thuộc MOFCOM, “thông báo này được đưa ra dựa trên tình hình thiên tai thường xuyên xảy ra trong mùa Thu và Đông, giá rau tăng cao, dịch Covid-19 bùng phát lẻ tẻ ở nhiều địa phương và hiện tượng thời tiết La Nina có thể nghiêm trọng hơn trong năm nay, nhằm có những sắp xếp từ sớm. Mục đích là để đảm bảo tốt hơn việc cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu hàng ngày cho người dân trong mùa Đông năm nay và mùa Xuân năm tới”./.