Trung Quốc có thể đã 'lỳ đòn' với Mỹ

Mục đích của việc Mỹ tăng thêm thuế là buộc Trung Quốc phải thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Nhưng Trung Quốc đã chuẩn bị sống chung với đau đớn thay vì chấp nhận thay đổi như Mỹ muốn, các nhà phân tích đánh giá.

Quang cảnh cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vừa diễn ra ở Thượng Hải. (Ảnh: Bloomberg)

Quang cảnh cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vừa diễn ra ở Thượng Hải. (Ảnh: Bloomberg)

Bắc Kinh vừa tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ quyết tăng thêm thuế lên phần hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột tung ra đòn leo thang chiến tranh thương mại mới.

Hôm 1/8, ông Trump thông báo sẽ áp 10% thuế lên lượng hàng trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc, động thái được cho là sẽ gây tác động trực tiếp lên người tiêu dùng Mỹ hơn bất kỳ biện pháp tăng thuế nào trong cuộc chiến thương mại từ trước đến nay.

Đợt tăng thuế mới sẽ bắt đầu từ ngày 1/9 tới, áp dụng đối với một danh sách dài hàng hóa, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính xách tay và quần áo trẻ em.

“Nếu Mỹ tăng thêm thuế, Trung Quốc sẽ phải có biện pháp đáp trả cần thiết”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/8 tại Bắc Kinh. Bà Hoa không nói cụ thể biện pháp đáp trả là gì.

Việc tăng thuế lên hầu hết hàng hóa từ Trung Quốc đánh dấu bước leo thang lớn nhất từ trước đến nay của chính quyền Trump và đột ngột kết thúc giai đoạn đình chiến ngắn ngủi từ khi ông Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, vào cuối tháng 6 vừa qua.

Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là người đầu tiên phản ứng chính thức về tuyên bố của ông Trump.

“Áp thêm thuế hoàn toàn không phải giải pháp đúng đắn cho chia rẽ thương mại”, ông Vương Nghị nói với một đài truyền hình Trung Quốc khi đang dự một hội nghị của Asean ở Bangkok.

Phản ứng của Trung Quốc đối với bước leo thang này trở nên phức tạp khi các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp bắt đầu mùa hội họp kín kéo dài 2 tuần ở khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều lãnh đạo cấp dưới sẽ không tham dự các sự kiện công khai trong thời gian này.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc lần này có thể không đua với Trump để tăng thuế trả đũa, mà thay vào đó sẽ chọn cách đối phó phù hợp.

“Bước leo thang của ông Trump diễn ra ngay sau vòng đàm phán mới nhất ở Thượng Hải, cho thấy ông ta hung hăng như thế nào”, ông Shi Yinhong, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, nói với Bloomberg.

“Biện pháp tăng thuế mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến động lực đàm phán. Nhưng Trung Quốc đã chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất trong một thời gian, vì Chủ tịch Tập đã kêu gọi người dân tham gia vào một cuộc ‘Vạn lý trường chinh mới’ sau khi đàm phán đổ bể hồi tháng 5”, GS Shi nói.

Trong một đoạn tweet, ông Trump nói rằng Trung Quốc không giữ lời ông Tập hứa ở Osaka về việc mua thêm nông sản Mỹ và dừng xuất khẩu trái phép chất fentanyl. Ông Trump sau đó nói với các phóng viên rằng ông “không quan tâm chút nào” đến phản ứng tiêu cực của thị trường.

6 người nắm được thông tin vòng đám phán vừa diễn ra ở Thượng Hải cho biết phía Trung Quốc không đưa ra đề xuất mới nào, khiến triển vọng thoát khỏi bế tắc nhằm đạt được thỏa thuận trở nên mờ mịt. Đó có thể là lý do ông Trump quyết định gia tăng sức ép lên Bắc Kinh.

Các quan chức và cố vấn Mỹ ngày càng tin vào khả năng Trung Quốc cố tình kéo dài đàm phán đến năm sau để đợi khả năng thay đổi chính quyền. Họ nói rằng cảm giác đó chỉ gia tăng từ khi Trung Quốc không giữ lời hứa ở Osaka về việc mua thêm nông sản Mỹ và kết quả đàm phán nhạt nhẽo ở Thượng Hải vừa qua.

Các nhà phân tích cho rằng quyết định chấm dứt đình chiến sau cuộc gặp ở Osaka cho thấy chính quyền Trump thất vọng như thế nào khi nỗ lực ép Trung Quốc phải cải cách kinh tế không đi đến đâu.

Các quan chức Mỹ báo cáo với ông Trump rằng các nhà đàm phán Trung Quốc từ chối cam kết sẽ làm nhiều hơn nữa để cải thiện luật sở hữu trí tuệ, kiểm soát tình trạng xuất lậu chất fentanyl hay sẽ mua thêm nông sản Mỹ cho đến khi hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại ràng buộc, nhiều người nắm được vấn đề cho biết.

“Cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc đã thất bại và ông ấy đang nhân đôi chiến lược thất bại”, ông Edward Alden, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ, đánh giá.

“Mục đích của việc tăng thuế là buộc Trung Quốc phải thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Nhưng cách tăng thuế đã không làm được điều đó. Trung Quốc đã chuẩn bị sống chung với đau đớn thay vì chấp nhận thay đổi như Mỹ muốn”, ông Alden nói.

Victor Shih, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại ĐH California San Diego, nếu Mỹ tăng thuế như vừa dọa, Bắc Kinh sẽ tìm ra cách đáp trả mới.

“Nếu đe dọa lần này trở thành hiện thực, Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa theo cách nào đó. Chậm trễ và hoãn mua máy bay của Boeing có thể sẽ trở thành chính sách chính thức. Trung Quốc cũng có thể phạt hoặc hạn chế những hãng đang hiện diện nhiều ở Trung Quốc”, ông Shih nói.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/trung-quoc-co-the-da-ly-don-voi-my-1448072.tpo