Trung Quốc có thể hỗ trợ kinh tế Nga tới đâu?
Các lệnh trừng phạt, đóng băng tài sản và sự 'tháo chạy' của dòng vốn quốc tế đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế Nga khiến Moscow gần như chỉ còn một đối tác đủ mạnh. Đó là Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng quan hệ đối tác với Trung Quốc không chỉ duy trì sự hợp tác mà hai bên đã đã đạt được, mà còn góp phần củng cố mối quan hệ này trong bối cảnh các thị trường phương Tây đang đóng cửa đối với chúng tôi”, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố hôm 13/3.
Đáp lại, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, họ đã cảnh báo Bắc Kinh rằng "chắc chắn sẽ có hậu quả nếu nước này giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt quy mô lớn".
Tờ CNBC cho biết, các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận về vấn đề này trong hơn 7 giờ hội đàm.
Theo Siluanov, các lệnh trừng phạt đã ngăn Moscow tiếp cận khoảng 300 tỉ USD trong tổng số 640 tỉ USD dự trữ ngoại hối và vàng mà họ đã tích lũy được kể từ làn sóng trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea năm 2014 .
Các nguồn dự trữ còn lại như vàng và Nhân dân tệ (NDT) được coi là nguồn ngoại hối tiềm năng chủ yếu của Trung Quốc ở Moscow để hỗ trợ đồng Rúp đang rớt giá thảm khi dòng vốn đang ‘tháo chạy’ khỏi Nga.
Bình luận về các lệnh trừng phạt, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 14/3, khẳng định: “Trung Quốc không đứng về bên nào của xung đột và không muốn các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến Trung Quốc”. Ông nhấn mạnh rằng: "Trung Quốc có quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình".
Vậy Trung Quốc có thể giúp Nga “xoa dịu” nỗi đau kinh tế như thế nào (?!). Về mặt lý thuyết là khá nhiều, theo CNBC.
Nếu Trung Quốc chấp nhận thanh toán bằng đồng Rúp cho tất cả các loại hàng hóa - bao gồm các mặt hàng nhập khẩu quan trọng như linh kiện công nghệ và chất bán dẫn mà Moscow đã bị “cấm cửa” do các lệnh trừng phạt mới nhất - thì Trung Quốc (về cơ bản) có thể phải hứng chịu hầu hết các đòn kinh tế của phương Tây nhắm vào Nga.
Vấn đề nằm ở chỗ liệu Trung Quốc có hoàn toàn hưởng lợi khi giúp Nga và những “tác dụng phụ” gì mà Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt?
"Xét về mức độ, Trung Quốc có thể giúp Nga rất nhiều", Maximilian Hess, một thành viên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nói với CNBC. "Nhưng họ sẽ phải mạo hiểm với các lệnh trừng phạt thứ cấp lớn nhắm vào chính mình cùng với cuộc chiến thương mại mới với Mỹ và phương Tây", Hess cho biết thêm.
Quan hệ đối tác 'không giới hạn'
Cần lưu ý rằng, Bắc Kinh có quan hệ đồng minh lâu dài với Nga và có thể hưởng lợi từ vị thế của họ.
Trước cuộc xung đột, Bắc Kinh và Moscow đã tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược "không giới hạn" mà theo như họ là nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Lập trường của Trung Quốc cuối cùng là đổ lỗi cho việc Mỹ và NATO mở rộng về phía đông gây ra xung đột, và coi Nga là "đối tác chiến lược quan trọng nhất".
"Bất kể bối cảnh thế giới như thế nào, chúng tôi vẫn sẽ duy trì trọng tâm chiến lược và thúc đẩy sự phát triển của quan hệ đối tác toàn diện Trung - Nga trong thời kỳ mới", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị khẳng định.
Và trong khi chính phủ Trung Quốc bày tỏ "quan ngại" về cuộc xung đột ở Ukraine, họ đã từ chối gọi đây là một cuộc xâm lược hoặc lên án Nga, thay vào đó đẩy cho Moscow tường thuật về cuộc chiến trên các hãng thông tấn nhà nước của họ.
"Trung Quốc không ngại gây ra các vấn đề cho phương Tây và rất có thể biến Nga dần trở thành đối tác gắn bó của mình". Nước này cũng có thể tận dụng lợi thế của mình để mua dầu, khí đốt và các hàng hóa khác của Nga với mức giá cực tốt, tương tự như những gì họ đang làm với Iran”, Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Berenberg, viết trong một báo cáo nghiên cứu đầu tháng 3.
Việc lãnh đạo Trung Quốc hỗ trợ Moscow ở mức độ nào sẽ đóng vai trò then chốt trong tương lai của nền kinh tế Nga. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nga, chỉ sau Liên minh Châu Âu (EU). Năm 2021, kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và Nga 146,87 tỉ USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố. Xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc trị giá 79,3 tỉ USD vào năm 2021, trong đó dầu và khí đốt chiếm 56%. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga đã vượt quá xuất khẩu hơn 10 tỉ USD vào năm ngoái.
Schmieding nói: “Theo thời gian, Nga có thể sử dụng Trung Quốc như một thị trường thay thế lớn hơn cho xuất khẩu nguyên liệu thô của mình và là một kênh dẫn đường để giúp lách các lệnh trừng phạt của phương Tây”.
Liên minh hùng mạnh của các nền kinh tế G-7, bao gồm Mỹ và các đối tác châu Âu và châu Á, có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp khắc nghiệt đối với bất kỳ thực thể nào ủng hộ Moscow. Nhưng vấn đề là nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ hai thế giới và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thị trường thế giới lớn nhiều so với Nga. Do đó, bất kỳ động thái nào nhằm trừng phạt Trung Quốc đồng nghĩa với việc sẽ tác động mạnh lên nền kinh tế toàn cầu, và có thể là “nỗi đau” kinh tế đối với phương Tây.
Phép tính của Trung Quốc
Bắc Kinh có thể tìm kiếm "cách thứ ba đâu đó giữa lựa hai chọn là ủng hộ Nga hoặc từ chối giúp đỡ", theo các nhà phân tích tại Rhodium Group có trụ sở tại New York. Lựa chọn trung gian này được minh chứng bằng việc Trung Quốc đang âm thầm duy trì các kênh tham gia kinh tế hiện có với Nga, cùng lúc nỗ lực giảm thiểu rủi ro mà các tổ chức tài chính Trung Quốc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây."
Thật vậy, vào đầu tháng 3, Guo Shuqing - Chủ tịch Ủy ban điều hành ngân hàng Trung Quốc, cho biết quan điểm phản đối các lệnh trừng phạt "đơn phương" và sẽ tiếp tục quan hệ thương mại bình thường với các bên bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Rhodium viết rằng Bắc Kinh "khó có thể che giấu” sự can dự của mình đối với nền kinh tế đang suy thoái của Nga nếu cấu trúc trừng phạt hiện tại vẫn tiếp tục được duy trì.
Liệu Bắc Kinh có thể tiếp tục cho phép Nga tiếp cận và giao dịch với dự trữ NDT của họ, với tổng 90 tỉ USD, hay khoảng 14% dự trữ ngoại hối của Nga (!?). Điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh cho phép ngân hàng trung ương Nga bán tài sản bằng đồng NDT lấy USD hoặc EUR (!?). Chắc chắn những điều ấy sẽ khiến Bắc Kinh bị trừng phạt.
Trung Quốc vẫn có thể giao dịch với các công ty Nga bằng đồng Rúp và NDT thông qua các ngân hàng Nga chưa bị trừng phạt. Tuy nhiên bất chấp nhiều năm nỗ lực để tăng thương mại song phương bằng đồng Rúp, phần lớn giao dịch - bao gồm 88% hàng xuất khẩu của Nga - vẫn được lập hóa đơn bằng USD hoặc EUR.
Không chỉ vậy, về cơ bản, Trung Quốc có thể phải hứng một “nhát dao” khi gánh chịu rủi ro tín dụng và trừng phạt đối với nền kinh tế đang suy thoái nhanh chóng của Nga.
"Trung Quốc có thể xoa dịu phần lớn nỗi đau của Nga", Hess nói.
"Nếu phải thực hiện những cuộc trao đổi, có thể Bắc Kinh sẽ đưa tất cả các khoản nợ và rủi ro của nền kinh tế Nga lên bảng cân đối kế toán của riêng họ vào đúng thời điểm nền kinh tế Nga suy yếu nhất trong nhiều thập kỷ."
“Vì vậy, đó có thể không phải là bước đi khôn ngoan nhất về mặt kinh tế. Nhưng về mặt chính trị thì lại khác”, Hess nói./.
Tham khảo CNBC