Trung Quốc có thể phải trả giá đắt hơn vì chiến lược 'Zero Covid-19'
Đợt dịch mới tại Trung Quốc đại lục bùng phát ở những trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng khiến các biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa sẽ phải trả một cái giá cao hơn.
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron không chỉ đặt ra thách thức với nền kinh tế Trung Quốc. Giới doanh nghiệp Mỹ cũng lo ngại chuỗi cung ứng có thể tiếp tục bị gián đoạn.
Dù kiên quyết thực thi chiến lược “Zero Covid-19”, Trung Quốc đã ghi nhận các ca lây nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng ở nhiều tỉnh thành trong thời gian gần đây, bao gồm trung tâm chính trị Bắc Kinh, trung tâm tài chính Thượng Hải và trung tâm công nghệ - đổi mới sáng tạo Thâm Quyến.
Hôm 17/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHS) thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận 223 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp và hệ thống vận tải tại “công xưởng của thế giới” vẫn hoạt động tương đối bình thường, dù một số địa phương như thành phố Tây An hay tỉnh Hà Nam đã phải áp đặt các biện pháp phong tỏa diện rộng.
Tuy vậy, các doanh nghiệp Mỹ lo ngại nếu lệnh phong tỏa được mở rộng ở các thành phố lớn ven biển, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ lỡ cơ hội phục hồi. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát và khiến lòng tin của người tiêu dùng Mỹ suy giảm.
Trung Quốc đối phó với Omicron
Tuy số ca dương tính vẫn còn khá thấp, thời điểm chủng Omicron xuất hiện - trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và Olympic Bắc Kinh - khiến Trung Quốc đề cao cảnh giác.
Bên cạnh đó, các đợt dịch gây ra bởi chủng Delta cũng chưa thể dập tắt hoàn toàn. Tâm dịch mới nhất của Trung Quốc là thành phố Thiên Tân, nơi ghi nhận kỷ lục 80 ca bệnh hôm 16/1.
Hơn nữa, đợt dịch này bùng phát ở những trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng, thay vì những nơi nằm sâu hơn trong nội địa như Tây An hay Hà Nam. Ở những nơi này, các biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa sẽ phải trả một cái giá cao hơn về kinh tế.
Để đối phó, giới chức các địa phương thi hành nhiều biện pháp từ phong tỏa, cách ly tới xét nghiệm. Một trong những chiến lược từng được nhiều thành phố Trung Quốc áp dụng là xét nghiệm toàn dân nhiều lần để loại bỏ tận gốc mầm mống virus.
Giới chức Bắc Kinh - nơi sẽ đăng cai Olympic mùa đông trong chưa đầy 3 tuần tới - yêu cầu mọi người vào thành phố phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 24 giờ. Quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 22/1.
Bệnh nhân mắc chủng Omicron đầu tiên của Bắc Kinh sống và làm việc tại khu Trung Quan Thôn, nơi được coi là “thung lũng Silicon của Trung Quốc”. Đây là nơi nhiều ông lớn công nghệ như Lenovo hay Xiaomi đặt trụ sở.
Cho đến nay, các thành phố cảng lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Đại Liên, Thiên Tân hay Thâm Quyến mới chỉ áp đặt các biện pháp phong tỏa hẹp. Do đó, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp chủ yếu vẫn diễn ra bình thường. Các cảng biển vẫn mở cửa. Tuy vậy, Volkswagen và Toyota vẫn phải tạm dừng hoạt động nhà máy tại Thiên Tân một thời gian.
Ngoài ra, một số chuyên gia quan ngại các biện pháp phòng chống Covid-19 sẽ tác động đến lượng hàng hóa tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, các hạn chế nhằm vào cơ sở sản xuất, giao thông hay cảng biến có thể ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng.
“Chiến lược ‘Zero Covid-19” của Trung Quốc vẫn là rào cản lớn với tiêu dùng. Tình hình vẫn chưa khả quan trong quý I này”, ông Liu Peiqian, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Tập đoàn NatWest, nói với Bloomberg. “Doanh số bán lẻ sẽ chậm lại trong một thời gian”.
Tác động đến nước Mỹ
Không chỉ tác động đến kinh tế Trung Quốc, các ca mắc Omicron mới ở quốc gia đông dân nhất thế giới cũng để lại ảnh hưởng gián tiếp tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Mối lo ngại lớn nhất hiện nay là Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch trước thềm Olympic.
“Việc Trung Quốc có thể kiểm soát dịch hay không là một câu hỏi quan trọng”, ông Craig Allen, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, nói với New York Times”. “Nếu họ đóng cửa các thành phố cảng, chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục gián đoạn”.
Biến chủng Omicron tấn công Trung Quốc vào thời điểm nhiều công ty Mỹ hy vọng chuỗi cung ứng sẽ trở lại bình thường vào năm thứ ba của đại dịch. Trong hai năm qua, nhiều nhà máy, cảng biển và kho hàng trên khắp thế giới phải đóng cửa, trong khi nhu cầu về hàng hóa nhập khẩu của người Mỹ vẫn ở mức cao.
Hai nhân tố này góp phần khiến chuỗi cung ứng hàng hóa gặp tổn hại nghiêm trọng. Phí vận chuyển tăng vọt. Trong khi đó, các cảng biển và nhà kho chất đầy container chờ vận chuyển.
Để chuẩn bị dịp nghỉ lễ cuối năm vừa qua, nhiều người tiêu dùng lựa chọn đặt hàng sớm. Phí vận chuyển đường biển bắt đầu giảm trở lại. Một số nhà quan sát dự đoán khi các xí nghiệp Trung Quốc tạm thời đóng cửa vào dịp Tết Nguyên đán, các công ty vận chuyển sẽ có thể giải quyết nốt số hàng tồn đọng, đưa tình hình trở lại bình thường.
Tuy vậy, khi Omicron “đổ bộ” Trung Quốc, người Mỹ nhận ra họ phụ thuộc vào hàng hóa từ “đất nước tỷ dân” này đến nhường nào. Các nhà sản xuất Mỹ đang theo dõi sát sao để dự đoán liệu Trung Quốc có buộc các xí nghiệp và cảng biển tạm dừng hoạt động hay không.
Nền kinh tế của Tây An và Hà Nam, những nơi bị phong tỏa diện rộng trước đây, ít phụ thuộc vào xuất khẩu. Do đó, tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu là không lớn. Tuy vậy, tình hình sẽ khác hoàn toàn nếu Thiên Tân hay Thượng Hải phải đóng cửa hoàn toàn.
“Chúng tôi không rõ liệu Tây An là hình mẫu cho các thành phố khác tại Trung Quốc hay không”, ông Handel Jones, giám đốc điều hành một công ty tư vấn về chip, nói. “Nếu các thành phố này không thể kiểm soát dịch trong từ 2-3 tuần tới, tác động đến chuỗi cung ứng sẽ rất lớn. Đây đang là thời điểm quyết định”.
Chi phí vận chuyển qua đường hàng không đang gia tăng. Điều này có thể ảnh hưởng tới các công ty đồ điện tử, khi các sản phẩm có giá trị cao thường được vận chuyển theo phương thức này.
Trong khi đó, ông Tim Huxley, chủ tịch công ty vận tải Mandarin Shipping, nhận định các biện pháp phòng dịch khiến hiệu suất của hệ thống cảng biển Trung Quốc giảm nhẹ. Tuy vậy, trong hai năm qua, hệ thống cảng đã chứng tỏ họ có thể hoạt động kể cả khi các thành phố lớn bị phong tỏa.
Trong năm 2021, khi thành phố Ninh Ba và Thâm Quyến - nơi có các cảng container lớn thứ ba và thứ tư thế giới - mạnh tay phong tỏa để phòng dịch, nhiều tàu đã chuyển hướng sang các cảng khác. Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn và chậm trễ trong giao hàng vẫn xuất hiện.
“Nếu một trong những cảng container lớn bị phong tỏa, tình trạng ùn ứ ở quy mô lớn sẽ nhanh chóng xuất hiện”, ông Huxley nói.