Đảo Đài Loan hôm 15-12 hạ thủy chiến hạm Tháp Giang, chiếc thứ hai trong lớp hộ vệ hạm hai thân đầy uy lực có thể ẩn mình trước radar và cảm biến hồng ngoại đối phương.
Truyền thông Đài Loan ca ngợi tàu hộ vệ này là "sát thủ tàu sân bay" do được trang bị 16 tên lửa diệt hạm Hùng Phong III.
Để tự vệ, chiến hạm Tháp Giang còn có thể mang tên lửa phòng không Thiên Kiếm II, một pháo hải quân 76 mm, một tổ hợp phòng thủ cực gần Phalanx và hai cụm ống phóng ngư lôi Mark 32.
Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, thừa nhận Tháp Giang là một chiến hạm "nhỏ mà có võ, do sở hữu hỏa lực mạnh", nhưng cho rằng chiến thuật mà Đài Loan định sử dụng tàu hộ vệ này để đối phó hải quân Trung Quốc đại lục (PLAN) đặc biệt là tàu sân bay sẽ không hiệu quả.
"Chiến hạm Tháp Giang có thể tìm cách phóng tên lửa về phía các chiến hạm đại lục từ ngoài tầm phòng không, nhưng Bắc Kinh sẽ không tung tàu sân bay từ đầu để đối phó với tàu hộ vệ Đài Loan, thay vào đó sẽ dùng máy bay để tiêu diệt chúng trước", ông Tống Trung Bình phát biểu.
Chuyên gia quân sự đại lục cho rằng các nhóm tàu sân bay của PLAN sẽ hoạt động ở khoảng cách xa và triển khai tiêm kích hạm J-15 để công kích mục tiêu như tàu hộ vệ Tháp Giang.
"Số lượng tiêm kích hạm của Trung Quốc đủ lớn để tạo năng lực tiến công tầm xa hiệu quả cho hàng không mẫu hạm. Tàu hộ vệ lớp Đà Giang sẽ không thể trở thành sát thủ tàu sân bay, thậm chí không có khả năng sống sót khi nổ ra xung đột", ông Tống nói.
Giới phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng chiến hạm Đà Giang có kích thước và lượng giãn nước nhỏ nhưng lại nhồi nhét quá nhiều vũ khí, khiến chúng không thể mang những hệ thống radar lớn để phát hiện mục tiêu và dẫn bắn tên lửa ở khoảng cách xa.
"Trong khi đó, tàu tên lửa hạng nhẹ Type-022 của PLAN có hẳn một hệ thống tình báo tích hợp để hỗ trợ chiến đấu", ông Tống cho hay.
Chiến hạm Đà Giang có thể trở thành "bia tập bắn" cho trực thăng vũ trang Z-9 mang tên lửa diệt hạm được triển khai từ tàu sân bay trực thăng Type-075, vị chuyên gia Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh.
Truyền thông Đài Loan sau đó lên tiếng phản bác nhận xét của chuyên gia đại lục, cho rằng họ đã bỏ qua nhiều chi tiết về tính năng của tàu chiến Tháp Giang.
"Máy bay Trung Quốc đại lục sẽ khó lòng tìm thấy chiến hạm này kịp thời để ngăn nó phóng tên lửa, bởi lớp Đà Giang sở hữu nhiều công nghệ tàng hình tiên tiến với diện tích phản xạ radar rất nhỏ", giới chuyên gia quân sự Đài Loan phản biện trên tờ Taiwan News.
Giới chuyên gia quân sự của hòn đảo cũng nói thêm rằng tốc độ tối đa 80 km/h của chiến hạm Tháp Giang vượt xa khả năng cơ động 55 km/h của tàu sân bay Trung Quốc đại lục hay một số khu trục hạm khác của Trung Quốc.
Các chuyên gia Đài Loan chỉ ra rằng lớp chiến hạm Tháp Giang được trang bị radar cảnh giới và radar điều khiển hỏa lực, kèm theo hệ thống tác chiến điện tử với những tổ hợp cảnh báo sớm và chế áp để đối phó tên lửa chống hạm.
"Họ cũng không tính đến những tên lửa phòng không Thiên Kiếm II với tốc độ gấp 6 lần âm thanh và tầm bắn 60-100 km, trong khi trực thăng Z-9 chỉ đạt tốc độ tối đa 305 km/h và là mục tiêu phù hợp với chiến hạm tàng hình này. Chiến hạm Tháp Giang cũng được lắp hệ thống Phalanx chuyên vô hiệu hóa trực thăng và tên lửa chống hạm", bài viết của Taiwan News cho hay.
Đài Loan dự kiến biên chế ít nhất 6 tàu lớp Tháp Giang trước năm 2023 và chế tạo thêm 5 tàu sau đó, nhằm cải thiện năng lực tác chiến phi đối xứng.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và từng tuyên bố không ngại sử dụng vũ lực để giành lại quyền kiểm soát. Trung Quốc đã tăng cường gây sức ép với hòn đảo này kể từ khi bà Thái Anh Văn được bầu làm lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016, và bà từ chối chấp nhận nguyên tắc "một Trung Quốc".
Trong trường hợp dùng chiến hạm đổ bộ vào Đài Loan, rất có thể Trung Quốc sẽ gặp phải sức kháng cự mãnh liệt từ hệ thống vũ khí cực mạnh của đảo quốc này.
Việt Hùng