Trung Quốc công bố các hình ảnh toàn cầu đầu tiên về Sao Hỏa

Ngày 24/4, Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cùng Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã cùng công bố hàng loạt hình ảnh toàn cầu về Sao Hỏa thu được trong sứ mệnh thám hiểm hành tinh đỏ đầu tiên của quốc gia này là Thiên Vấn 1.

Bản đồ toàn cầu của Sao Hỏa theo phép chiếu Robinson. Ảnh: CNSA

Bản đồ toàn cầu của Sao Hỏa theo phép chiếu Robinson. Ảnh: CNSA

Theo hãng thông tấn nhà nước Xinhua, loạt ảnh màu này được công bố tại sự kiện ra mắt Ngày Không gian của Trung Quốc được tổ chức tại Hợp Phì, thủ phủ của tỉnh An Huy phía đông nước này.

Trong sự kiện, CNSA cho biết những hình ảnh toàn cầu của Sao Hỏa được công bố dựa trên 14.757 dữ liệu hình ảnh thu được từ camera viễn thám trên tàu quỹ đạo của sứ mệnh Thiên Vấn 1 của Trung Quốc trong khoảng thời gian 8 tháng từ tháng 11/2021 đến tháng 7/2022.

Các hình ảnh được công bố sử dụng các phương pháp thiết lập bản đồ quốc tế bao gồm phép chiếu trực giao của bán cầu đông và tây của Sao Hỏa, phép chiếu Robinson của sao Hỏa, phép chiếu Mercator và phép chiếu phương vị của hành tinh.

Nhóm nghiên cứu cũng đã xác định được một số lượng lớn các thực thể địa lý gần địa điểm hạ cánh từ các hình ảnh có độ phân giải cao của sao Hỏa. Liên minh Thiên văn Quốc tế đã đặt tên 22 trong số các thực thể này theo tên các làng và thị trấn lịch sử và văn hóa ở Trung Quốc.

Hình ảnh bán cầu đông và tây của Sao Hỏa theo phép chiếu trực giao. Ảnh: CNSA

Hình ảnh bán cầu đông và tây của Sao Hỏa theo phép chiếu trực giao. Ảnh: CNSA

Nhận định về những hình ảnh toàn cầu của Sao Hỏa, ông Zhang Rongqiao, nhà thiết kế chính của sứ mệnh Thiên Vấn 1, cho biết những bức hình này sẽ giúp “cung cấp một bản đồ cơ sở với chất lượng tốt hơn cho việc khám phá sao Hỏa và nghiên cứu khoa học”. Chúng là “một đóng góp quan trọng mà sứ mệnh này đã thực hiện cho hoạt động khám phá không gian sâu của con người”.

Ông cũng cho biết bắt đầu từ 1/5 tới, dữ liệu khoa học của Thiên Vấn 1 cũng sẽ được công khai với toàn thế giới.

Sứ mệnh Thiên Vấn 1 của Trung Quốc bao gồm một tàu quỹ đạo, một tàu đổ bộ và một tàu tự hành. Nó chính thức được phóng ngày 23/7/2020 và đi vào quỹ đạo Sao Hỏa sau 202 ngày bay.

Tàu đổ bộ mang theo tàu tự hành Chúc Dung đã hạ cánh vào ngày 15/5/2021 ở phần phía nam của Utopia Planitia - một đồng bằng rộng lớn ở bán cầu bắc của sao Hỏa. Tàu Chúc Dung đi từ bệ hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa ngày 22/5/2021, bắt đầu hành trình khám phá hành tinh đỏ từ đó.

Theo CNSA, tàu quỹ đạo của Thiên Vấn 1 đã đạt được khả năng phát hiện viễn thám toàn cầu trên Sao Hỏa vào ngày 29/ 6/2022. Cho đến nay, nó đã hoạt động được hơn 1.000 ngày trong tình trạng tốt và gửi khoảng 1.800 GB dữ liệu thô về Trái Đất. Xe tự hành Chúc Dung – được đặt tên theo một vị hỏa thần trong truyền thuyết cổ đại Trung Quốc – cũng đã đi được 1.921m trên hành tinh đỏ. Hiện tàu này đang ở trong trạng thái ngủ đông.

Bản đồ toàn cầu của Sao Hỏa trong phép chiếu Mercator và phép chiếu phương vị. Ảnh: CNSA

Bản đồ toàn cầu của Sao Hỏa trong phép chiếu Mercator và phép chiếu phương vị. Ảnh: CNSA

22 thực thể địa lý được Liên minh Thiên văn Quốc tế đặt tên theo các làng và thị trấn lịch sử và văn hóa ở Trung Quốc. Ảnh: CNSA

22 thực thể địa lý được Liên minh Thiên văn Quốc tế đặt tên theo các làng và thị trấn lịch sử và văn hóa ở Trung Quốc. Ảnh: CNSA

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trung-quoc-cong-bo-cac-hinh-anh-toan-cau-dau-tien-ve-sao-hoa-post20835.html