Trung Quốc công bố chiến lược quốc gia thích ứng biến đổi khí hậu
Theo thông tin từ Bộ Môi trường sinh thái Trung Quốc, các cơ quan chức năng nước này mới đây ban hành Chiến lược quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu, với mục tiêu cơ bản xây dựng thành công xã hội thích ứng biến đổi khí hậu vào năm 2035.
Theo các mục tiêu mà Chiến lược này đề ra, đến năm 2035, Trung Quốc sẽ có năng lực giám sát và dự báo biến đổi khí hậu đạt đến trình độ tiên tiến của thế giới, với hệ thống quản lý và phòng ngừa rủi ro khí hậu cơ bản hoàn thiện, các thiên tai và rủi ro lớn về khí hậu được phòng ngừa hiệu quả, hệ thống kỹ thuật và hệ thống tiêu chuẩn về thích nghi biến đổi khí hậu được hoàn thiện hơn, từ đó nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu của toàn xã hội.
Báo chí Trung Quốc dẫn ý kiến các chuyên gia nước này cho biết, đây là bước đi quan trọng trong quá trình thực hiện chiến lược quốc gia về tích cực ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường công tác thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo đó, thích ứng và giảm thiểu tác động là hai giải pháp quan trọng để ứng phó biến đổi khí hậu. Trong khi giảm nhẹ tác động hướng đến giảm phát thải khí nhà kính, thì mục tiêu thích ứng lại hướng tới phòng ngừa và giảm thiểu các tác động và rủi ro từ biến đổi khí hậu. Hai mục tiêu này bổ sung cho nhau và đều không thể thiếu được.
Trung Quốc nằm trong khu vực nhạy cảm về khí hậu trên thế giới, dễ chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Cùng với quá trình nóng lên của trái đất, những tác động kéo dài và hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu mang lại, ngày càng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng với phát triển kinh tế-xã hội cũng như sản xuất và đời sống của người dân nước này.
Năm 2013, Trung Quốc lần đầu tiên ban hành chiến lược quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu, xác định thúc đẩy các chương trình thích ứng trên các lĩnh vực và khu vực trọng điểm.
So chiến lược năm 2013, chiến lược lần này nhấn mạnh hơn đến giám sát, dự báo và quản trị rủi ro liên quan biến đổi khí hậu, với các giải pháp hoàn thiện mạng lưới quan trắc biến đổi khí hậu, tăng cường cảnh báo sớm, đánh giá tác động và rủi ro; đề ra các nhiệm vụ thích ứng trên các lĩnh vực trọng điểm: nguồn nước và hệ sinh thái trên cạn, nông nghiệp và an ninh lương thực, sức khỏe và y tế công cộng, kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc, đô thị và môi trường sống.