Trung Quốc dần rút lui khỏi dự án Vành đai và Con đường tại Pakistan

Bắc Kinh đang lùi bước khỏi cam kết ban đầu trị giá 60 tỷ USD cho dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.

Đường cao tốc Karakoram, còn được gọi là Đường cao tốc hữu nghị Trung Quốc-Pakistan, là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Ảnh: AFP

Quân đội Pakistan được thiết lập để kiểm soát gần như toàn bộ Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) do Bắc Kinh tài trợ, một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 60 tỷ USD với hệ thống đường sắt, đường bộ, cảng và các đặc khu kinh tế (SEZ) quan trọng đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường toàn cầu (BRI) của Trung Quốc.

Một dự luật tại Quốc hội Pakistan sẽ giúp quân đội của đất nước này nắm chắc hơn dự án Vành đai và con đường và các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD liên quan đến dự án này.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang lùi bước khỏi những hứa hẹn tài chính ban đầu với Pakistan theo kế hoạch đầy tham vọng.

Các báo cáo phương tiện truyền thông gần đây, trích dẫn dữ liệu do các nhà nghiên cứu của Đại học Boston ở Mỹ tổng hợp, tổng tiền cho mà Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho chính phủ Pakistan vay đã giảm từ mức đỉnh 75 tỷ USD năm 2016 xuống chỉ còn 4 tỷ USD năm ngoái. Các số liệu tạm thời tính đến năm 2020 cho thấy số tiền đó giảm đã xuống còn khoảng 3 tỷ USD vào năm 2020.

Nghiên cứu của Đại học Boston cho biết, việc thắt chặt dự án Vành đai và con đường được cho là phù hợp với cái gọi là “chiến lược suy nghĩ lại” của Bắc Kinh đối với BRI trị giá 1 nghìn tỷ USD của họ, các dự án xây dựng của BRI vốn đang bị ảnh hưởng bởi những “điểm yếu về cơ cấu” bao gồm sự mờ mịt trong các kế hoạch, tham nhũng, cho vay quá nhiều đối với các nước nghèo dẫn đến “bẫy nợ” và các tác động xấu đến xã hội và môi trường.

Được khởi xướng vào năm 2013, BRI là kế hoạch lớn của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm kết nối Châu Á với Châu Phi và Châu Âu thông qua các mạng lưới thương mại trên đường bộ và hàng hải, và có lẽ điều quan trọng nhất là tạo ra các tuyến đường mới cho hoạt động nhập khẩu nhiên liệu của Trung Quốc.

Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với mục tiêu chiến lược sau này của Bắc Kinh, đó là cung cấp một tuyến đường bộ thay thế cho các chuyến hàng nhiên liệu của Trung Quốc qua Pakistan đi qua eo biển Malacca bị tắc nghẽn - nơi mà các nhà phân tích an ninh dự đoán Mỹ có thể sẵn sàng chặn đứng để bóp nghẹt nền kinh tế Trung Quốc trong bất kỳ kịch bản xung đột nào.

Hiện vẫn chưa thấy việc Trung Quốc giảm các hạn mức cho vay đối với Pakistan sẽ tác động đến CPEC như thế nào, tuy nhiên một số dự án quan trọng liên quan hiện đang bị đình trệ hoặc đang chạy chậm tiến độ do thiếu tài chính. Trong số 122 dự án CPEC đã công bố, chỉ có 32 dự án đã hoàn thành tính đến quý III năm tài chính này.

Một số chuyên gia tin rằng cuộc chiến thương mại của Bắc Kinh với Mỹ là một yếu tố đằng sau sự thay đổi chiến lược cho vay toàn cầu của Trung Quốc và sự rút lui rõ ràng của Trung Quốc khỏi sáng kiến cơ sở hạ tầng khổng lồ ở Pakistan.

Những người khác thì lại cáo buộc rằng chính vấn đề tham nhũng của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực điện lực, đã khiến các cơ quan tài chính Trung Quốc cắt giảm mức cho vay của họ đối với Pakistan.

Một cuộc điều tra gần đây do Ủy ban An ninh và Trao đổi của Pakistan thực hiện đã phát hiện ra những sai phạm bất thường trị giá hơn 1,8 tỷ USD trong lĩnh vực điện, với 16 công ty chủ yếu là Trung Quốc tham gia CPEC nhận trợ cấp quá mức và gây ra thiệt hại lớn về tài chính cho quốc gia.

Trong khi đó, các chiến binh ở tỉnh Balochistan lại đang tăng cường tấn công vào các dự án CPEC và công dân Trung Quốc đang làm việc tại dự án này, điều đó làm tăng chi phí an ninh và rủi ro chính trị của các dự án. Động thái của Islamabad để cho quân đội kiểm soát nhiều hơn kế hoạch này là một nỗ lực rõ ràng nhằm xoa dịu những lo ngại về an ninh đang gia tăng của Trung Quốc.

Các nguồn tin cho biết, lý do đầu tiên khiến việc chậm triển khai các dự án CPEC phần lớn là do Trung Quốc thiếu tài chính. Trong cuộc họp được tổ chức vào tháng trước giữa Đại sứ Trung Quốc mới được bổ nhiệm Nong Rong và Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Shah Mehmood Qureshi tại Islamabad, các nhà chức trách đã tính toán số tiền thiết hụt này đang ở mức khá cao.

Nếu Trung Quốc tuân theo các cam kết CPEC ban đầu, họ sẽ xây dựng và cấp vốn cho ít nhất 8 đặc khu kinh tế ở cả 4 tỉnh của Pakistan cũng như trong Lãnh thổ Liên bang Islamabad, Khu vực Liên bang Cảng Qasam, Kashmir và Gilgit-Baltistan do Pakistan quản lý. Một SEZ khác sẽ được xây dựng tại Gwadar.

Ngoại trừ khu Gwadar, Thành phố Công nghiệp Allama Iqbal ở Punjab và Khu kinh tế Rashakai ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, bảy đặc khu kinh tế khác vẫn đang trong giai đoạn tiền khả thi hoặc sau khả thi và chưa có sự phát triển cụ thể.

Cả Trung Quốc và Pakistan đều được cho là đang tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng để đẩy nhanh công việc về các SEZ. Trước đó, Trung Quốc đã miễn cưỡng mời các công ty không phải của Trung Quốc đầu tư vào các SEZ nhưng tình hình đã thay đổi với nguồn tài chính cạn kiệt.

Tương lai của CPEC không chỉ bị che khuất bởi chính sách cho vay mới với đầy tính thận trọng hơn của Trung Quốc mà còn cả việc Pakistan vay quá nhiều vốn đang khiến đất nước nhanh chóng rơi vào khủng hoảng nợ. Tỷ lệ nợ trên GDP của Pakistan hiện ở mức cao 107% GDP. Một số người cho rằng số tiền nợ trên hồ sơ của quốc gia này thậm chí còn cao hơn, bao gồm cả các khoản chi trả cho các dự án CPEC, có thể gây ra những lo ngại về an ninh quốc gia.

Viện Cải cách Chính sách (IPR), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Lahore do lãnh đạo cấp cao Hamayun Akhtar Khan của Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) điều hành, tuyên bố trong một báo cáo gần đây rằng: “Pakistan đã rơi vào bẫy nợ do sự thất bại của chính phủ trong việc cải cách và quản lý tài khóa yếu kém.”

Liệu động thái trao cho quân đội quyền kiểm soát gần như hoàn toàn đối với CPEC của Pakistan sẽ trấn an được Trung Quốc không và có khiến các khoản đầu tư của họ được an toàn hơn không thì vẫn còn chưa chắc chắn, nhưng một điều hiện đang rõ ràng hơn hết chính là Bắc Kinh đang lùi bước khỏi kế hoạch 60 tỷ USD của Pakistan trong BRI và chắc chắn nó sẽ gây khủng hoảng hơn cho một đất nước vốn đang ngập trong những khoản nợ.

Huy Hoàng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-dan-rut-lui-khoi-du-an-vanh-dai-va-con-duong-tai-pakistan-post110381.html