Trung Quốc: Đầu tư xây dựng thủy lợi hơn 1.000 tỷ NDT/năm trong ba năm liên tục
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Bộ Thủy lợi Trung Quốc gần đây công bố số liệu cho thấy, từ tháng 1-10/2024, Trung Quốc đã hoàn thành đầu tư xây dựng thủy lợi với tổng trị giá 1.088 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương 152 tỷ USD, và tổng đầu tư 3 năm liên tiếp đều vượt 1.000 tỷ NDT.
Số liệu của Bộ Thủy lợi cho thấy, đầu tư hoàn thành xây dựng thủy lợi năm 2022 và 2023 của Trung Quốc lần lượt là 1.089,3 tỷ NDT (152,3 tỷ USD), 1.199,6 tỷ NDT (167,7 tỷ USD), tăng 44% và 10% so với cùng kỳ năm trước đó. Dự kiến tổng đầu tư cho xây dựng thủy lợi của Trung Quốc năm nay sẽ lập mức cao kỷ lục mới. Cụ thể, từ tháng 1-10/2024, đầu tư 421,1 tỷ NDT (58,89 tỷ USD) xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát lũ lưu vực sông, đầu tư 475,9 tỷ NDT (66,5 tỷ USD) vào dự án mạng lưới nước quốc gia và 113,8 tỷ NDT (15,9 tỷ USD) được đầu tư vào bảo vệ và quản lý sinh thái nước. Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng thủy văn và các cơ sở kỹ thuật thủy lợi.
Chuyên gia Ngô Hữu Hồng, Viện nghiên cứu đầu tư thuộc Học viện Kinh tế vĩ mô Trung Quốc cho biết trong những năm gần đây, đầu tư vào xây dựng thủy lợi tiếp tục tăng, thông qua thúc đẩy nâng cao chất lượng đầu tư, có thể phát huy hơn nữa nhiều hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái.
Những lợi ích này đang được thể hiện ở nhiều nơi: Giai đoạn I công trình điều tiết nước Nam-Bắc của Trung Quốc, tuyến điều tiến nước khu vực miền Đông - miền Trung đã điều tiết trên 76,7 tỷ m3 nước, bảo đảm an toàn nước uống cho hơn 185 triệu người; tại vùng Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau, công trình điều tiết nguồn nước ở châu thổ sông Châu Giang hỗ trợ nhu cầu nước cho người dân trong khu vực và bảo đảm an ninh sinh thái cho địa phương; tại Chiết Giang, đầu tư xây dựng thủy lợi trong giai đoạn từ tháng 1-11/2024 lũy kế thu hút 140.000 người làm việc, tăng 7,9% so với cùng kỳ...
Để đầu tư các dự án đúng trọng tâm, trọng điểm, theo chuyên gia Lý Tuệ Mẫn (Li Huimin), Chủ nhiệm Khoa Quản lý công trình, Học viện Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi Thủy điện Hoa Bắc cho biết, Chính phủ cần phát huy thiết thực vai trò giám sát và quản lý, đảm bảo chuyên môn và quản lý tốt nguồn vốn trong quá trình đầu tư, đồng thời cần căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của dự án để làm tốt luận chứng giai đoạn đầu của công trình, tránh lãng phí tài nguyên sau khi hoàn thành công trình do nhu cầu không phù hợp.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia Ngô Hữu Hồng cũng cho rằng việc tăng cường điều phối tổ chức là biện pháp then chốt đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải kết nối chặt chẽ trên dưới trong cơ chế làm việc giữa nhà nước và địa phương, các ban ngành phối hợp nhịp nhàng, làm tốt công tác dự toán để bảo đảm xây dựng dự án thủy lợi. Ngoài ra, khi thực hiện giải ngân vốn xây dựng thủy lợi, cũng phải đảm bảo chất lượng xây dựng công trình thủy lợi.