Trung Quốc đẩy mạnh khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt

Những năm gần đây, Trung Quốc đẩy nhanh nghiên cứu thăm dò và khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt và hiện đang tập trung vào nguồn địa nhiệt tầng sâu bởi ý nghĩa to lớn của nó trong việc chuyển đổi mô hình năng lượng xanh của nước này.

Công trường thi công Dự án giếng khoan số 1 Fushenre ở thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Công trường thi công Dự án giếng khoan số 1 Fushenre ở thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Theo truyền thông Trung Quốc, địa nhiệt là một nguồn năng lượng tái tạo có trữ lượng lớn, phân bố rộng và thân thiện với môi trường, được chia thành 3 loại nguồn địa nhiệt tầng thấp, tầng trung và tầng sâu tùy theo độ sâu trong lòng đất.

Nguồn địa nhiệt tầng thấp có độ sâu từ 0-200m với nhiệt độ thấp hơn 25 độ C, có thể khai thác làm khí sưởi vào mùa đông và khí mát vào mùa hè dựa vào sự chênh lệch nhiệt độ không khí ngoài trời và trong nhà.

Ở độ sâu từ 200-3.000m là nguồn địa nhiệt tầng trung, nước suối khoáng nóng mà con người đang khai thác và sử dụng chính là một trong số đó. Gần đây, thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây vừa đưa vào vận hành dự án phát điện địa nhiệt tầng trung với công suất khoảng 700.000kWh/năm thông qua khai thác nguồn nước nóng đạt tới 102 độ từ giếng khoan địa nhiệt có độ sâu 3.000m. Ngoài ra, nguồn nước nóng này còn có thể cung cấp dịch vụ sưởi ấm cho 170.000m2 sàn nhà. Đây là dự án kiểu mẫu về khai thác nguồn nước nóng địa nhiệt tầng trung để phát điện, sưởi ấm và khai thác khí helium đầu tiên ở Trung Quốc, có ý nghĩa tích cực trong việc phát triển chuỗi ngành năng lượng địa nhiệt, hoàn thiện hơn nữa cơ cấu năng lượng.

Từ độ sâu 3.000m trở lên, nguồn địa nhiệt chủ yếu tồn tại trong các lớp đá phiến với nhiệt độ từ 180 độ đến hơn 200 độ C. Loại đá phiến có nhiệt độ cao này được gọi là đá nóng với các đặc điểm nhiệt lượng cao, ứng dụng nhiều, tuy nhiên khai thác khó khăn.

Theo số liệu của Cục Điều tra địa chất Trung Quốc, trữ lượng nguồn địa nhiệt đá nóng ở độ sâu từ 3.000-10.000m của Trung Quốc tương đương với 856.000 tỷ tấn than tiêu chuẩn, nếu chỉ khai thác 2%, thì có thể gấp 2.900 lần tổng lượng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc trong năm 2023.

Hiện tại, Trung Quốc đang tập trung khai thác nguồn địa nhiệt tầng thấp và nguồn nước nóng tầng trung, còn nguồn địa nhiệt tầng sâu hơn 3.000m, đặc biệt là khai thác nguồn nhiệt đá nóng vẫn đang ở trong giai đoạn thăm dò.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã có thành công bước đầu mang tính đột phá trong việc thăm dò nguồn năng lượng địa nhiệt tầng sâu, khi vừa hoàn thành việc xây dựng dự án giếng khoan số 1 Fushenre ở thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam. Đây là giếng khoan địa nhiệt đầu tiên của Trung Quốc đạt tới độ sâu 5.200m. Trong lớp đá hoa cương hơn 250 triệu năm ở độ sâu hơn 4.600m và 5.100m, các nhà khoa học đã phát hiện nguồn địa nhiệt với nhiệt độ hơn 188 độ C và áp dụng công nghệ ép nứt đá, phun nước để khai thác nhiệt lượng, từ đó không chỉ làm chủ công nghệ khoan thăm dò, phun cao áp, khai thác nhiệt năng, mà còn đặt nền móng cho việc khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt ở miền nam Trung Quốc.

Cùng với sự tiến bộ của khoa học-công nghệ cũng như nhu cầu về năng lượng sạch ngày càng tăng, việc khai thác năng lượng địa nhiệt tầng sâu sẽ trở thành mục tiêu nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực năng lượng sạch ở Trung Quốc.

HỒ QUÂN Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trung-quoc-day-manh-khai-thac-nguon-nang-luong-dia-nhiet-post843548.html