Trung Quốc đẩy nhanh các hoạt động bồi đắp trái phép để bành trướng ở Biển Đông

Việc Trung Quốc ồ ạt tôn tạo, bồi đắp các cấu trúc địa lý trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rõ ràng là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như hủy hoại môi trường, sinh thái biển, làm phức tạp tình hình khu vực.

Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập của Việt Nam - Ảnh: AMTI/CSIS

Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập của Việt Nam - Ảnh: AMTI/CSIS

Đối với Bắc Kinh, hoạt động nạo vét và bối đắp đắp là những công cụ quan trọng phục vụ cho nhu cầu địa chính trị ngày càng lớn. Hiện nay, khó có một quốc gia nào có hoạt động nạo vét, bồi đắp nhiều như Trung Quốc.

Trung Quốc những năm gần đây, thậm chí đã thiết lập một “đội quân nạo vét biển”. Trong đó, một số tàu nạo vét mua từ Nhật Bản, Bỉ và Hà Lan. Với nhu cầu ngày càng tăng cao, Trung Quốc đang tự sản xuất tàu nạo vét. Dù tàu tự chế của Trung Quốc chưa phải loại lớn nhất thế giới, hoặc có công nghệ tiên tiến hơn so với các nước khác, nhưng quốc gia Đông Á này sở hữu số lượng tàu nạo vét nhiều nhất.

Trong thập niên qua, các công ty Trung Quốc đã chế tạo khoảng 200 tàu với kích cỡ lớn và độ tinh xảo hơn. Năm 2013, Rabobank, một công ty Hà Lan, cho biết ngành công nghiệp nạo vét Trung Quốc đã trở thành quy mô nhất thế giới. Các công ty Trung Quốc mang lại nhiều doanh thu từ việc nạo vét trong và ngoài nước.

Trung Quốc đã xây dựng hai hòn đảo nhân tạo để hỗ trợ cây cầu dài 54km nối liền Hồng Kông với Macao và đại lục. Phần lớn công việc đó được thực hiện bởi công ty nạo vét CCCC Dredging, thuộc tập đoàn quốc doanh xây dựng giao thông Trung Quốc - công ty nạo vét lớn nhất thế giới.

Bắt đầu từ những năm 1970, các nước xuất khẩu dầu ở vịnh Ba Tư đã đầu tư vào sự phát triển các cảng lớn mới, thúc đẩy các công ty nạo vét đưa các tàu lớn hơn, mạnh hơn ra thị trường. Hồng Kông và Osaka (Nhật Bản) là hai thành phố xây dựng các sân bay quốc tế mới trên các đảo nhân tạo từ những năm 1990. Nhiều hòn đảo nhân tạo lớn cũng đang được bồi đắp.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố nạo vét là một lĩnh vực tăng trưởng ưu tiên vào năm 2001, như một phần của nỗ lực tăng cường sức mạnh hàng hải của Trung Quốc. Vào thời điểm đó, đội tàu nạo vét của nước này còn khá cũ kỹ, lỗi thời. Với sự hỗ trợ và đầu tư của chính phủ, ngành công nghiệp nạo vét của Trung Quốc đã bùng nổ. Trong 15 năm qua, các công ty nạo vét Trung Quốc đã tích cực hoạt động và cho ra mắt nhiều thế hệ máy móc mới.

Công ty nạo vét CCCC đã bắt đầu thực hiện các dự án ở nước ngoài, và hiện đang hoạt động ở hàng chục quốc gia. Công ty nhà nước này tập trung đặc biệt vào các địa điểm được nhắm mục tiêu phát triển cảng biển do Bắc Kinh quản lý, một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong khuôn khổ Vành đai và Con đường, với mục đích gia tăng sự hiện ở khu vực Ấn Độ Dương, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quốc gia Đông Nam Á. Bắc Kinh cũng đã tham gia vào các dự án hạ tầng quan trọng tại Myanmar, như khu công nghiệp và cảng nước sâu Kyaukphyu ở thành phố New Yangon và đặc khu kinh tế biên giới Trung Quốc - Myanmar.

Với sự tăng cường các hoạt động của các tàu Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương trong vài tháng qua, các chuyên gia nhận định rằng các động thái này là một phần trong chiến lược nhằm mở rộng sự hiện diện hải quân Trung Quốc trên khắp khu vực Ấn Độ Dương bằng cách xây dựng hạ tầng dân sự trên biển tại một số quốc gia thân Bắc Kinh.

Được biết, Biển Đông được coi là con đường chiến lược về giao lưu và thương mại quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ở cả bốn phía đều có đường thông ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua các eo biển và là một trong những tuyến vận chuyển bận rộn nhất thế giới. Hơn nữa, với trữ lượng tài nguyên phong phú, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở vùng biển chiến lược mà Bắc Kinh tự coi là lãnh thổ của mình bất chấp phản đối của quốc tế.

Bắt đầu từ khoảng cuối năm 2013 đầu năm 2014, đặc biệt sang năm 2015, Trung Quốc đã đưa hàng chục tàu nạo vét CCCC hoạt động nhằm tăng cường xây dựng, tôn tạo và bồi đắp các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Chỉ trong vòng 18 tháng, những con tàu này đã bổ sung gần 1.200ha đất mới vào quần đảo Trường Sa.

Hoạt động bồi đắp cải tạo của Trung Quốc hoàn toàn khác với việc việc xây dựng, nâng cấp các công trình trên các cấu trúc địa lý thông thường. Trung Quốc được cho là đang bồi đắp các đảo thành căn cứ quân sự, hoàn thiện nhiều hạ tầng với đường băng, nhà chứa máy bay, lắp đặt hệ thống radar, triển khai nhiều loại tên lửa ở các bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn. Qua đó, Bắc Kinh cũng đã điều động nhiều loại máy bay tiêm kích, máy bay trinh sát, máy bay vận tải đến khu vực này.

Hiện Trung Quốc đang ráo riết thúc đẩy các hoạt động này hơn nữa, huy động một lượng lớn máy móc, trang thiết bị để đồng loạt đẩy mạnh xây dựng. So với quần đảo Hoàng Sa, các cấu trúc địa lý ở quần đảo Trường Sa được Trung Quốc chú trọng đẩy mạnh cải tạo hơn.

Về tốc độ, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo nhanh một cách chóng mặt. Tạp chí Forbes hôm 12.5 đã công bố những hình ảnh từ Sentinel, hệ thống các vệ tinh quan sát trái đất thuộc Chương trình Copernicus của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA), cho thấy quy mô hoạt động “đáng kinh ngạc” của đội tàu nạo vét Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu, có thể đã triển khai hoạt động bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo tại vùng biển này.

Trước đó vào ngày 17.4, lực lượng cảnh sát biển Đài Loan đã báo cáo theo dõi khoảng 40 tàu nạo vét bất hợp pháp xuất hiện tại một khu vực tại phía bắc Biển Đông. Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 13.4 cho thấy hoạt động của các tàu nạo vét Trung Quốc tại khu vực này. Một hình ảnh khác được chụp vào ngày 3.5 cũng cho thấy đội tàu xuất hiện trở lại và tiếp tục nạo vét.

Các hoạt động này đều tiến hành trong vùng biển có tranh chấp, không hề có tham vấn với các quốc gia hữu quan. Việc Trung Quốc sử dụng một lực lượng khổng lồ để tiến hành cải tạo đất làm khuấy động cả một vùng Biển Đông đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, cũng như hòa bình, an toàn và ổn định ở khu vực.

Suốt quá trình xây dựng đó, Trung Quốc đã tổn hại nghiêm trọng đến môi trường thiên nhiên ở các khu vực này. Cụ thể, các tàu phục vụ xây dựng đã phá nát nhiều rạn san hô để xây dựng các cơ sở hạ tầng mà mục đích chỉ nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.

Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) hồi 2016 đã vô hiệu hóa các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như cáo buộc Bắc Kinh gây ra sự tàn phá và tàn phá lâu dài đối với môi trường biển.

Là một phần trong sự thay đổi chiến lược nhằm kiềm tỏa ảnh hưởng Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông khiến Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phản đối.

Đáng chú ý, Mỹ hồi đầu tháng này đã gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, khẳng định yêu sách phi lý của Bắc Kinh “không phù hợp với luật pháp quốc tế”. Công hàm lần này được xem là tiếng nói chính thức của Mỹ, tiếp nối các bước đi ngoại giao gần đây của các quốc gia thành viên ASEAN nhằm lên án các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hoàng Vũ (theo MIT Review)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/quoc-te-c-185/ho-so-c-215/trung-quoc-day-nhanh-cac-hoat-dong-boi-dap-trai-phep-de-banh-truong-o-bien-dong-139594.html