Trung Quốc điều máy bay không người lái áp sát tàu tuần dương Mỹ ở eo biển Đài Loan
Trung Quốc triển khai máy bay trinh sát không người lái để theo dõi tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường của Mỹ khi tàu này đi qua eo biển Đài Loan hôm 25/7
Một trong số máy bay không người lái gián điệp mới của Trung Quốc, Soar Dragon (Rồng Bay) được điều tới để theo dõi Antietam, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga của Mỹ, khi nó đi qua eo biển Đài Loan hôm 25/7, hãng tin Đài Loan Up Media đưa tin. Eo biển Đài Loan rộng 180 km, ngăn cách đảo Đài Loan với Trung Quốc lục địa.
Đây được cho là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc điều máy bay trinh sát không người lái giám sát hoạt động tại eo biển Đài Loan vào ban đêm.
Soar Dragon, còn được biết đến với tên tiếng Trung là Xianglong - Rồng Bay, là câu trả lời của Trung Quốc đối với máy bay không người lái giám sát Global Hawk của quân đội Mỹ, mặc dù Soar Dragon nhỏ hơn RQ-4 rất nhiều, theo The National Interest. Popular Science cũng từng gọi Rồng Bay là "máy bay không người lái đẹp nhất Trung Quốc" cho thiết kế cánh song song đặc biệt của nó.
Tuy nhiên, Rồng Bay vẫn có khả năng duy trì thời lượng 10 giờ bay ở độ cao 18 km và sở hữu một loạt thiết bị giám sát, giống như "đối thủ" Mỹ Global Hawk.
Bài liên quan
Mỹ-Trung tranh cãi về quy chế các nước đang phát triển trong WTO
Soar Dragon được đưa vào sản xuất năm 2016 và mới được phát hiện hoạt động một số lần ở ba căn cứ: căn cứ không quân Lingshui trên đảo Hải Nam; căn cứ không quân Yishuntun gần thành phố phía Đông Bắc Cát Lâm cách Triều Tiên 321 km; và Shigatse ở Tây Tạng, gần cao nguyên Doklam /Donglang hiện Trung Quốc và Ấn Độ có tranh chấp.
"Thiết kế độc đáo của Rồng Bay giúp nó phù hợp cho các hoạt động lâu dài ở độ cao lớn. Một khi máy bay không người lái được giao cho quân đội, nó sẽ tăng cường khả năng trinh sát tầm xa của PLA", Wang Ya'nan, Tổng biên tập tạp chí hàng không vũ trụ nói với China Daily hồi năm 2016. "Hơn nữa, máy bay phản lực là nền tảng tốt cho các hoạt động tác chiến điện tử như thu thập thông tin tình báo và gây nhiễu điện tử."
Theo truyền thông Đài Loan, “Rồng bay” không phải là máy bay duy nhất được Trung Quốc triển khai để giám sát hành trình của tàu tuần dương Antietam khi đi qua eo biển Đài Loan. Các máy bay chiến đấu J-11 và Su-30 của Bắc Kinh được cho là đã xuất kích 10 lần để theo dõi tàu Mỹ.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ cũng triển khai trực thăng MH-60 Seahawk trong quá trình tàu Antietam đi qua eo biển Đài Loan. Máy bay này đã bay rất gần khu vực bờ phía Tây của eo biển. Ngoài ra, truyền thông Đài Loan cho biết tàu tuần dương Mỹ còn được P-8 Poseidon, máy bay chống hạm và chống ngầm của Mỹ, hộ tống khi di chuyển tại eo biển Đài Loan.
Theo trung tá Clay Doss, người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, chuyến đi của tàu tuần dương Antietam qua eo biển Đài Loan phù hợp với luật pháp quốc tế, “thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do”.
Mỹ từng nhiều lần đưa tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, trong đó lần gần nhất là vào tháng 5. Trung Quốc nói rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc và đây là vấn đề nhạy cảm, quan trọng nhất trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.