Trung Quốc đổ lỗi cho Ấn Độ gây căng thẳng biên giới
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba xác nhận một cuộc đụng độ đã xảy ra tại biên giới tranh chấp với Ấn Độ, đồng thời lên tiếng cáo buộc binh lính Ấn Độ xâm nhập lãnh thổ và tấn công người Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đổ lỗi cho Ấn Độ gây căng thẳng biên giới - Ảnh: Xinhua
“Tấn công nhân viên Trung Quốc”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết quân đội Ấn Độ "đã vượt qua biên giới hai lần ... kích động và tấn công nhân viên Trung Quốc, dẫn đến cuộc đối đầu vật lý nghiêm trọng giữa các lực lượng biên giới ở hai bên".
"Chúng tôi một lần nữa yêu cầu Ấn Độ có thái độ phù hợp và kiềm chế các binh sĩ ở tiền tuyến của mình. Không vượt biên giới, không gây rắc rối, không thực hiện bất kỳ hành động đơn phương nào làm phức tạp tình hình biên giới”, ông Triệu Lập Kiên nói.
Trong khi đó, nguồn tin từ Ấn Độ cho biết, đã có “thương vong từ cả hai phía” trong vụ việc hôm thứ Hai trên biên giới giữa Tây Tạng và khu vực Ladakh của Ấn Độ.
"Một cuộc đối đầu bạo lực đã diễn ra vào tối ngày hôm qua (thứ Hai) với thương vong từ cả hai phía. Một sĩ quan và hai binh sĩ Ấn Độ đã chết", một phát ngôn viên của quân đội Ấn Độ cho biết. "Các quan chức quân sự cấp cao của hai bên hiện đang họp tại địa điểm để xoa dịu tình hình”.
Một sĩ quan quân đội Ấn Độ trong khu vực nói với AFP rằng, không có vụ nổ súng nào trong vụ việc, trên địa hình đá hiểm trở ở thung lũng quan trọng chiến lược Galwan. "Đó là những vụ ẩu đả bằng chân tay", viên sĩ quan nói.
Vụ va chạm vừa xảy ra là diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc sau nhiều tuần căng thẳng và triển khai hàng ngàn binh sĩ từ cả hai phía.
Vào ngày 9/5, một số binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã bị thương trong một cuộc đụng độ “bằng nắm đấm và gạch đá” tại Naku La thuộc bang Sikkim của Ấn Độ, giáp biên giới với Bhutan, Nepal và Trung Quốc.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tuần trước rằng "sự đồng thuận tích cực" đã đạt được sau "truyền thông hiệu quả" thông qua các kênh ngoại giao và quân sự.
Trong một tuyên bố sau đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết hai bên sẽ "tiếp tục các cam kết ngoại giao và quân sự để giải quyết tình hình và đảm bảo hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới”.
Tuy nhiên, các nguồn tin và báo cáo của Ấn Độ cho rằng quân đội Trung Quốc vẫn ở một phần của Thung lũng Galwan và bờ phía bắc của hồ Pangong Tso mà họ chiếm đóng trong những tuần gần đây.
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại biên giới tranh chấp - Ảnh: Reuters
Quan hệ gai góc
Ấn Độ và Trung Quốc thậm chí chưa bao giờ đồng thuận về “Đường kiểm soát thực tế” tại biên giới và mỗi bên sử dụng các đề xuất biên giới khác nhau do Anh đưa ra cho Trung Quốc trong thế kỷ 19, để ủng hộ các yêu sách của họ.
Ấn Độ đưa ra một con số 3.500 km (2.175 dặm). Trung Quốc không đưa ra một con số, nhưng truyền thông nhà nước cho biết biên giới chỉ dài 2.000 km (1.250 dặm) khi Trung Quốc tuyên bố quyền kiểm soát đối với Jammu, Kashmir, Ladakh và các khu vực khác.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu đã trở nên căng thẳng.
Hai bên đã có một cuộc chiến tranh ngắn vào năm 1962. Những cuộc đụng độ chết chóc tiếp theo diễn ra vào năm 1967, nhưng lần cuối cùng hai bên nổ súng sau cơn giận dữ là vào năm 1975.
Năm 2017 đã có một cuộc đấu tranh kéo dài 72 ngày sau khi các lực lượng Trung Quốc di chuyển vào cao nguyên Doklam đang tranh chấp ở biên giới Trung Quốc-Ấn Độ-Bhutan.
Sau đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách giảm bớt căng thẳng tại các hội nghị thượng đỉnh.
Sau những căng thẳng giữa hai bên mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đề nghị làm trung gian hòa giải, nhưng cả hai nước đều từ chối.