Trung Quốc dốc toàn lực đối phó nCoV

Bàn giao bệnh viện dã chiến thứ 2, tăng khả năng tiếp nhận và chữa trị tối đa các bệnh nhân; cấm bán thuốc cúm và ho; có thể tử hình người cản trở chống dịch… là hàng loạt các hành động quyết liệt mới nhất của chính quyền Trung Quốc trong nỗ lực ngăn cản dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang có nguy cơ biến thành 'đại dịch'.

Các đội dân vận và tình nguyện viên tìm người nghi nhiễm nCoV tại Vũ Hán (Trung Quốc). Ảnh: Xihua.

Các đội dân vận và tình nguyện viên tìm người nghi nhiễm nCoV tại Vũ Hán (Trung Quốc). Ảnh: Xihua.

Gấp rút bàn giao bệnh viện dã chiến

Đến ngày 9/2, chính quyền Vũ Hán đã bàn giao bệnh viện Lôi Thần Sơn cho quân y Trung Quốc, sau 12 ngày xây dựng để chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus corona.

Bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn (Leishenshan) với 1.600 giường và 32 phòng bệnh được xây dựng khẩn cấp xây dựng 12 ngày ( từ ngày 25/1 tới ngày 6/2) và hoàn thiện trong hai ngày sau đó để bàn giao cho lực lượng quân y. Đây là bệnh viện dã chiến thứ hai được thành phố Vũ Hán thi công trong thời gian ngắn kỷ lục để đối phó với dịch viêm phổi đang hoành hành.

Trước đó, Vũ Hán đã bàn giao bệnh viện Hỏa Thần Sơn với 1.000 giường bệnh cho lực lượng quân y ngày 2/2. Hai bệnh viện dã chiến này được xây theo kiểu lắp ghép giống cơ sở điều trị Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) tại Tiểu Sương Sơn, Bắc Kinh hồi năm 2003.

Chính quyền Vũ Hán cho biết thành phố đang có 8.895 giường tại 28 bệnh viện công cùng khoảng 2.500 giường tại hai bệnh viện dã chiến để chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCoV trong tình trạng nặng và nguy kịch. Lực lượng quân y Trung Quốc cho biết đội ngũ y bác sĩ quân đội sẽ vận hành các bệnh viện dã chiến “với tiêu chuẩn cao nhất”

Cấm bán thuốc cúm và ho, tử hình người cản trở chống dịch

Trong khi đó tại TP Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, phía Đông Trung Quốc, chính quyền sở tại đã ra lệnh tạm thời cấm bán thuốc cúm và ho để buộc người dân đến bác sĩ khám nhằm nỗ lực phát hiện virus corona chủng mới.

Lệnh của chính quyền TP Hàng Châu được công bố hôm 7/2 và có hiệu lực ngay lập tức. Theo giải thích của giới chức, chính sách này được áp dụng tại các hiệu thuốc nhằm “tăng cường giám sát những người có triệu chứng sốt và ho”.

Mới đây nhất, tối 8/2, Ủy ban Y tế Quốc gia, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Bộ Công an Trung Quốc ra thông cáo chung về 7 tội danh liên quan đến y tế nhằm trừng phạt nghiêm khắc những người cản trở công tác kiểm soát dịch bệnh. Quy định mới nhắm vào các hành vi phá hoại hay chiếm dụng các tài sản của các cơ quan y tế, gây phiền nhiễu đến các cơ quan y tế, để xác người chết trái pháp luật, tổ chức tang lễ mà chưa được phép, gây rối loạn và cản trở các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát dịch.

Thông cáo cho biết án tử hình có thể được áp dụng đối với một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng những quy định này.

WHO cử phái đoàn tới Trung Quốc

Trong một động thái trợ giúp quốc tế, ngày 9/2, Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus cho biết sẽ cử một phái đoàn quốc tế do tổ chức này dẫn đầu tới Trung Quốc. Theo đó, trưởng đoàn sẽ lên đường vào ngày 10 hoặc ngày 11/2 và các chuyên gia còn lại sẽ đi sau đó. Tuy nhiên, người đứng đầu WHO chưa cho biết các thành viên của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) có thuộc phái đoàn hay không. “Tôi hy vọng điều đó diễn ra”- ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Người đứng đầu WHO hiện chưa nêu tên trưởng phái đoàn và các chuyên gia khác trong đoàn, cũng như từ chối đưa ra thông tin chi tiết về hoạt động của họ. Ghebreyesus cho biết WHO sẽ công khai mọi thứ ngay khi chuẩn bị xong.

Trong khi đó, chuyên gia cấp cứu hàng đầu của WHO Mike Ryan nhận định: Số ca tử vong và nhiễm nCoV được báo cáo hàng ngày ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hiện ở mức “ổn định”.

“Đó là tin tức tốt và có thể phản ánh hiệu quả của các biện pháp kiểm dịch. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng vẫn còn rất nhiều trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đang chờ xét nghiệm”- chuyên gia này cho biết.

Đình Tú

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/trung-quoc-doc-toan-luc-doi-pho-ncov-tintuc458579