Trung Quốc đối mặt sức ép gia tăng

Châu Âu muốn gia tăng hiện diện quân sự tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, khu vực then chốt đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Trung Quốc ngày 27-5 phản ứng quyết liệt với tuyên bố chung của Nhật Bản và khối Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cảnh báo Tokyo và Brussels chớ nên can thiệp vào chuyện nội bộ của Bắc Kinh ở Đài Loan, Hồng Kông lẫn Tân Cương.

"Tuyên bố chung của EU và Nhật Bản không phù hợp với chuẩn mực phát triển các mối quan hệ song phương... làm tổn hại an ninh và hòa bình quốc tế, hủy hoại niềm tin chung của các nước trong khu vực và lợi ích của bên thứ ba, đi ngược lại điều mà họ tuyên bố là nỗ lực vì một thế giới an ninh, dân chủ và ổn định" - phái đoàn của Trung Quốc tại EU khẳng định.

Trước đó cùng ngày, trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến giữa Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Brussels và Tokyo nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình trên khắp eo biển Đài Loan, cam kết hợp tác chặt chẽ về các vấn đề trong khu vực, bao gồm Hồng Kông và Tân Cương - nơi Bắc Kinh bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Thể hiện quan ngại sâu sắc về tình hình biển Đông và biển Hoa Đông, các nhà lãnh đạo còn phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực thay đổi hiện trạng và làm tăng căng thẳng tại các vùng biển này. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lấn tới, Thủ tướng Suga cùng Chủ tịch Michel và Chủ tịch von der Leyen cam kết hợp tác để hỗ trợ EU mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hội đàm trực tuyến cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hôm 27-5 Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hội đàm trực tuyến cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hôm 27-5 Ảnh: REUTERS

Cam kết trên được đưa ra giữa lúc các nước châu Âu mong muốn gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu này. Các binh sĩ Pháp lần đầu tiên tập trận chung cùng Mỹ và Nhật Bản trên lãnh thổ Nhật Bản vào đầu tháng này, trong khi Đức dự kiến điều tàu chiến đến châu Á vào cuối năm nay. Anh cũng đang triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth tới châu Á, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc là điểm dừng chân.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28-5 trình lên quốc hội gói ngân sách đề xuất cho năm tài chính 2022, trong đó có 715 tỉ USD dành cho Bộ Quốc phòng với các khoản chi nhằm củng cố năng lực răn đe Trung Quốc thông qua bổ sung máy bay và tàu chiến, hiện đại hóa công nghệ vũ khí hạt nhân, phát triển - thử nghiệm vũ khí siêu thanh và những hệ thống vũ khí thế hệ mới, theo Reuters.

Ngoài ra, ngân sách đề xuất dành cho Bộ Quốc phòng Mỹ còn bao gồm các khoản đầu tư dành cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương (PDI) nhằm cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, tập trung nâng cao năng lực sẵn sàng tác chiến của quân đội Mỹ trong khu vực thông qua việc củng cố các hệ thống radar, vệ tinh và tên lửa.

Chính quyền Tổng thống Biden còn yêu cầu bổ sung 38 tỉ USD cho các chương trình liên quan đến quốc phòng của Cục Điều tra Liên bang (FBI), Bộ Năng lượng và những cơ quan khác của chính phủ Mỹ, nâng ngân sách an ninh quốc gia cho năm tài chính 2022 lên tổng cộng 753 tỉ USD, tăng 1,7% so với năm 2021.

Cũng với mục tiêu đối phó Trung Quốc, Philippines thời gian qua đẩy mạnh hoạt động tuần tra trên biển Đông và ngày càng tiếp cận gần hơn với tàu hải cảnh Trung Quốc, theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI). Dữ liệu từ tổ chức này cho thấy từ ngày 1-3 đến 25-5, Philippines đã điều 13 tàu thực thi pháp luật hoặc quân sự đến các vùng biển tranh chấp và bãi cạn Scarborough ít nhất 57 lần. "Đây là một sự gia tăng đáng kể so với 10 tháng trước đó, khi chỉ có 3 tàu Philippines thực hiện tổng cộng 7 chuyến tuần tra đến các địa điểm trên" - AMTI khẳng định.

CAO LỰC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-doi-mat-suc-ep-gia-tang-20210528215851374.htm