Trung Quốc đối mặt với nguy cơ dịch chuyển sản xuất mạnh hơn

Thỏa thuận ngừng áp thêm đòn thuế mới nhằm vào hàng hóa của nhau không giúp giải quyết các bất đồng thương mại cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn kéo dài thêm tình trạng bất ổn thương mại, có thể thôi thúc mạnh hơn làn sóng di dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc.

 Công nhân buộc các lô hàng xuất khẩu vào một cần cẩu ở một hải cảng ở TP. Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Công nhân buộc các lô hàng xuất khẩu vào một cần cẩu ở một hải cảng ở TP. Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hôm 29-6, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận tạm dừng cuộc chiến áp thuế để nối lại đàm phán thương mại, đồng thời Mỹ sẽ nới lỏng lệnh cấm vận công nghệ đối với hãng thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh (smartphone) Huawei, công ty đa quốc gia thành công nhất của trung Quốc.

Tuy nhiên, một thỏa thuận đình chiến thương mại sơ sài mà Tổng thống Trump đạt được trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập ở Osaka, Nhật Bản có thể củng cố các hoạt động sắp xếp lại trật tự kinh tế toàn cầu và làm suy yếu vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

Chi tiết các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bên lề hội nghị G20 ở Osaka vẫn chưa rõ. Hai bên nhất trí nối lại đàm phán nhưng các kết quả cuối cùng không được bảo đảm. Các bất đồng giữa họ vẫn có thể phá hỏng sự hòa hoãn mong manh trong một cuộc xung đột kinh tế đang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Một thỏa thuận đình chiến thương mại yếu ớt có thể dẫn đến những hệ lụy dai dẳng. Mỹ vẫn sẽ duy trì các đòn thuế hiện tại với hàng hóa Trung Quốc trong nhiều tháng, hoặc có thể trong vài năm tới. Các công ty toàn cầu gần như chắc chắn sẽ phản ứng bằng cách tiếp tục di dời ít nhất các công đoạn sản xuất cuối trong chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.

“Chừng nào còn mối đe dọa áp thuế, sẽ còn những rủi ro trong việc phụ thuộc vào những chuỗi cung ứng sâu rộng này. Các doanh nghiệp không thích tình trạng không chắc chắn nhưng thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung đang kéo dài tình trạng này”, Jacques deLisle, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại ở Đại học Pennsylvania (Mỹ), nói.

Xét theo khía cạnh đó, kết quả cuộc đàm phán tại Osaka cũng tương tự như kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina hồi tháng 12 năm ngoái khi hai bên nhất trí thỏa thuận đình chiến thương mại nhưng các đòn thuế trước đó của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc vẫn được giữ nguyên.

Hòa hoãn thương mại kéo dài đến tháng 5-2019 khi chính quyền Donald Trump quyết định tăng thuế từ 10% lên mức 25% với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc để phản đối Trung Quốc rút lại các cam kết trong một dự thảo thương mại yêu cầu Trung Quốc thay đổi các cấu trúc của nền kinh tế để đổi lấy quyết định dỡ bỏ tất cả các đòn thuế của Mỹ.

Giờ đây, thỏa thuận Mỹ-Trung đạt được ở Osaka cũng chẳng giúp giảm các hàng rào thương mại mà ông Trump đã dựng lên bao gồm các đòn thuế nhập khẩu 25% nhằm vào tổng cộng 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.

Để ứng phó, một loạt các công ty từ các nhà sản xuất giày dép cho đến các nhà sản xuất hàng điện tử, đang di dời chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc. Nhiều công ty đang chuyển công đoạn lắp ráp hoàn thiện sản phẩm sang Việt Nam.

Wendy Cutler, cựu quan chức thương mại Mỹ, hiện nay là Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á (ASPI) ở New York, nói: “Những gì đã xảy ra là có một tình trạng bất ổn lớn và mọi thứ sẽ không trở lại như trước đây nữa”.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch sản xuất này sẽ không diễn ra trong ngày một, ngày hai. Trung Quốc vẫn là người khổng lồ về sản xuất, đang nắm giữ các chuỗi cung ứng rộng lớn và một đội ngũ lao động lành nghề. Dù di dời các khâu sản xuất hoàn thiện sản phẩm ra khỏi Trung Quốc nhưng nhiều công ty sẽ phải tiếp tục mua linh kiện được sản xuất tại nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử.

Dù các căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang trong những tuần gần đây, hãng Apple vẫn lên kế hoạch di dời một dây chuyển sản xuất máy tính cá nhân từ Mỹ sang Trung Quốc.

“Di dời toàn bộ một chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Điều này sẽ mất nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng chục năm”, Jon Cowley, luật sư tư vấn thuế và chuỗi cung ứng của chi nhánh công ty luật Baker McKenzie (Mỹ) ở Hồng Kông, nhận định.

Hôm 26-6, chính quyền TP. Thâm Quyến, trung tâm công nghệ của Trung Quốc, công bố một báo cáo cảnh báo rủi ro các công ty sản xuất tháo chạy hàng loạt đang gia tăng. Báo cáo cho biết trong năm 2018, khi các đòn thuế của Mỹ chưa lên đến mức cao như hiện nay, có 91 công ty sản xuất với doanh thu hàng năm của mỗi công ty từ 20 triệu nhân dân tệ (2,9 triệu đô la Mỹ) trở lên đã rút khỏi Thâm Quyến. Sản lượng công nghiệp tổng cộng của các công ty này đóng góp cho nền kinh tế Thâm Quyến khoảng 60 tỉ nhân dân tệ mỗi năm.

Báo cáo có đoạn: “Hoạt động di dời sản xuất (khỏi Trung Quốc) của các nhà sản xuất hàng đầu đã khiến các nhà cung ứng của họ cũng phải di dời theo, đe dọa đến tính ổn định của chuỗi cung cứng đối với nền kinh tế Thâm Quyến”.

Leo Zhu, luật sư chuyên về lĩnh vực thương mại quốc tế và bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ ở hãng luật Zhejiang Chession Law ở tỉnh Chiết Giang, cho rằng việc Mỹ ngừng kế hoạch áp thêm đòn thuế nhằm vào 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc chỉ “mang lại rất ít lợi ích cho nền kinh tế thế giới” vì tình trạng bất ổn thương mại vẫn tồn tại và đang gây tổn hại cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Ông nói: “Thị trường Mỹ rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Giờ đây, với việc ông Trump thay đổi chính sách liên tục, mọi người càng lo lắng hơn về việc làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ. Thế nên, như một lẽ tự nhiên, mọi người có thể chuyển trọng tâm kinh doanh đến các nước khác nằm trong Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc hoặc các thị trường mới nổi khác”.

Theo New York Times, South China Morning Post

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290859/trung-quoc-doi-mat-voi-nguy-co-dich-chuyen-san-xuat-manh-hon.html