Trung Quốc đóng cửa: Thêm đòn giáng vào chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu

Tập đoàn công nghệ Foxconn cảnh báo doanh thu giảm trong khi việc vận chuyển giữa Hong Kong và đại lục đang ở trong tình trạng căng thẳng.

Nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự bùng phát trên diện rộng của dịch Covid-19 bằng cách đóng cửa ở một số thành phố đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng dẫn đến giảm tăng trưởng và lợi nhuận trong ngành công nghệ.

Hôm thứ Tư, Foxconn, nhà cung cấp lớn thiết bị cho Apple cho biết, doanh thu của họ có thể giảm tới 3% trong năm nay và họ có thể phải vật lộn để tăng tỷ suất lợi nhuận khi chi phí linh kiện tăng và đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn.

"Năm 2022 là một năm đầy thách thức," Liu Young-way, Chủ tịch Foxconn, nói với các nhà đầu tư, đồng thời nói thêm rằng sự lây lan của virus corona vẫn gây ra "sự không chắc chắn rất lớn".

Tiếp tục thực hiện Zero Covid

Cảnh báo này được đưa ra sau khi chính quyền Thâm Quyến vào thứ Hai yêu cầu tất cả, trừ các nhà máy thiết yếu, trong khu công nghiệp sản xuất công nghệ phải ngừng hoạt động trong một tuần. Sau khi các hạn chế mới được công bố, hơn 70 công ty Đài Loan đang hoạt động tại thành phố này và hàng chục nhà sản xuất địa phương của Trung Quốc cho biết họ đã tạm ngừng sản xuất.

Olaf Schatteman, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại công ty tư vấn Bain, cho biết: "Trung Quốc đang tự gây khó cho họ với chính sách Zero Covid. Khi các hạn chế này đang làm tổn hại đến các nhà cung cấp và hoạt động hậu cần, các công ty sẽ tìm cách thoát khỏi khủng hoảng, hướng tới đa dạng hóa các địa điểm sản xuất và điều đó có thể làm suy yếu vị thế của Trung Quốc là trung tâm chuỗi cung ứng của thế giới."

Foxcoon dự báo doanh thu của họ năm 2022 sẽ bị sụt giảm. Ảnh: Feature China/Future Publishing/Getty.

Foxcoon dự báo doanh thu của họ năm 2022 sẽ bị sụt giảm. Ảnh: Feature China/Future Publishing/Getty.

Các nhà phân tích cho biết tác động đối với Apple vẫn còn hạn chế vì địa điểm sản xuất iPhone chính của Foxconn là ở Trịnh Châu, nơi không bị ảnh hưởng vào thời điểm này. "Chúng tôi nghĩ rằng tình hình này vẫn nằm trong tầm kiểm soát, đặc biệt nếu nó chỉ giới hạn trong một tuần. Nhưng nhiều thách thức tiềm tàng có thể là nảy sinh các vấn đề về chuỗi cung ứng đối với hệ sinh thái công nghệ và gia tăng áp lực lên cung ứng /hậu cần nói chung," công ty tư vấn Evercore ISI đánh giá.

Nhưng trong khi nhiều công ty dự đoán việc đóng cửa nhà máy trong tuần này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tài chính, thì thông tin liên lạc nội bộ cho thấy các hạn chế này đã bắt đầu làm tê liệt chuỗi cung ứng ở miền nam Trung Quốc.

Một báo cáo nội bộ từ một công ty công nghệ ở Thâm Quyến do Financial Times thu được đã cho biết các hạn chế mới có ảnh hưởng "nhiều tầng" đến các lô hàng, "các nhà máy không thể vận chuyển, các kho hàng của các công ty giao nhận hàng hóa cũng gần như đóng cửa", báo cáo này cho biết. Văn bản này cũng nói thêm rằng việc vận chuyển giữa Hồng Kông và đại lục đang ở trong tình trạng khó khăn và các container bị hạn chế tiếp cận cảng Yantian và Shekou. Khoảng 6.000 trong số 8.000 tài xế xe tải tuyến Hồng Kông- Thâm Quyến đã không thể làm việc do các yêu cầu y tế mới được đưa ra sau khi Thâm Quyến bị đóng cửa.

Theo công ty tư vấn vận tải Freightos, khoảng 25% hàng hóa vận chuyển bằng đường biển từ Trung Quốc đi Mỹ và một nửa hàng xuất khẩu của Thâm Quyến là đi qua cảng Yantian.

Sức ép lên ngành hậu cần

Các nhà điều hành ngành hậu cần cũng cho biết việc tạm dừng các dịch vụ bưu kiện từ công ty chuyển phát nhanh hàng đầu Hồng Kông Shunfeng vào tuần trước và sự gián đoạn của các cảng lân cận khác sẽ dẫn đến việc giao hàng bị chậm trễ từ 3 đến 5 ngày.

Những vấn đề này có thể làm trầm trọng thêm các căng thẳng về hậu cần và tăng chi phí vận tải biển do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra. Freightos cho biết: "Việc tạm dừng sản xuất có thể sẽ khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng vọt khi các nhà máy mở cửa trở lại".

Foxconn cho biết hôm thứ Tư rằng họ đã khởi động lại một số hoạt động tại các nhà máy ở Thâm Quyến theo mô hình "vòng tròn khép kín". Cụ thể, hoạt động của công ty "chỉ có thể được thực hiện trong khuôn viên bao gồm cả nhà ở của nhân viên và cơ sở sản xuất", công ty cho biết.

Một chủ nhà máy họ Lu ở Đông Quan gần đó, người có công ty cung cấp vỏ điện thoại thông minh cho Huawei, cũng cho biết việc sản xuất vẫn đang tiếp tục.

Các nhà phân tích cảnh báo các công ty như Huawei và các nhà cung cấp của họ hay Foxconn, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, là những trường hợp ngoại lệ vì quy mô và mạng lưới nhà máy rộng lớn của họ.

"Trừ khi họ có quy mô như Foxconn, có thể cung cấp chỗ ở và làm việc cho công nhân trong khuôn viên của họ, đã học cách hạn chế dịch bệnh và có các đội A và B luân phiên tại chỗ, thì các nhà máy khác vẫn buộc phải ngừng sản xuất.

Phelix Lee, một nhà phân tích công nghệ tại Morningstar ở Hồng Kông, cảnh báo về tác động đáng kể của động thái này. "Một nhà máy ngừng hoạt động kéo dài một tuần sẽ chỉ chiếm 2% công suất hàng năm, nhưng nếu bạn tính đến những tác động bất thường do tồn đọng hàng chờ vận chuyển, chúng tôi dự báo chúng có thể ảnh hưởng tới 5% doanh thu hàng năm", ông nói.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/trung-quoc-dong-cua-them-don-giang-vao-chuoi-cung-ung-cong-nghe-toan-cau-20220317103732267.htm