Trung Quốc đưa máy bay không người lái ra biển Đông
Một mạng lưới máy bay không người lái đã được Bắc Kinh đưa ra biển Đông để giám sát các cấu trúc tranh chấp.
Những thiết bị này do Bộ Tài nguyên quốc gia vận hành, bao phủ tất cả các cấu trúc không người ở nằm ở nơi khó tiếp cận cũng như các vùng biển mở, SCMP dẫn thông tin từ Bộ này cho biết trên trang web.
Chuỗi liên lạc bằng máy bay không người lái đã “tăng cường rất nhiều năng lực giám sát biển Hoa Nam (tức biển Đông), mở rộng tầm quan sát của chúng ta trên các vùng biển cả”, thông báo trên trang web viết.
Hệ thống này bao gồm nhiều thiết bị bay không người lái (UAV) được trang bị camera độ phân giải cao, các xe thông tin liên lạc di động trên đường hoạt động như trạm chuyển tiếp, ngoài ra có mạng lưới thông tin biển trao đổi qua vệ tinh.
Những chiếc UAV nhẹ sẽ giúp tăng cường hệ thống cảm biến từ xa của vệ tinh, trong những lúc hoạt động của vệ tinh này bị ảnh hưởng vì mây che phủ.
Các xe thông tin liên lạc có thể di chuyển hoặc đậu ở nơi nào đó thiếu trạm thông tin liên lạc mặt đất và tiếp sóng từ vệ tinh chuyển về. Tín hiệu có thể gửi lên mạng lưới vệ tinh dưới dạng hình ảnh tĩnh hoặc hình ảnh truyền hình trực tiếp, để sau đó những hình ảnh này được phát tại trụ sở chỉ huy cách nằm cách đó hàng ngàn kilomet ở tỉnh Quảng Đông.
“Hệ thống này đã được sử dụng trong quản lý biển, bao gồm các vùng biển có dấu hiệu đáng ngờ, khảo sát các khu vực có vấn đề lịch sử và giám sát biển đảo theo thời gian thực”, Bộ Tài nguyên quốc gia cho biết.
“Hệ thống này sẽ đóng vai trò đáng kể trong trường hợp phải quan sát thiên tai hoặc ứng phó tình huống khẩn cấp, như sự cố tràn dầu hoặc bùng phát thủy triều đỏ”, cơ quan này cho biết thêm.
Tuy nhiên, hệ thống hệ thống mới còn là một bước đi nữa của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền quá mức trên biển Đông, sau khi nước này đã xây dựng và quân sự hóa trái phép các cấu trúc trên vùng biển này.
Trung Quốc cũng đang triển khai hệ thống chòm sao vệ tinh Hải Nam, dự kiến hoàn thành vào năm 2021, để có thể giám sát hoạt động đi lại trên biển Đông theo thời gian thực. Hệ thống này bao gồm 6 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh siêu âm và 2 vệ tinh radar.
Bắc Kinh cũng đã lập nhiều trạm radar thời tiết, quan trắc biển và giám sát môi trường để củng cố đòi hỏi chủ quyền và cung cấp “dịch vụ công cộng” trên vùng biển nhạy cảm này.