Trung Quốc đưa ra nhiều ưu tiên phát triển

Hôm qua, 13.3, Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV đã bế mạc tại Bắc Kinh sau hơn 8 ngày nhóm họp, khép lại với việc bầu ra các vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước, thông qua hàng loạt nghị quyết quan trọng, đặc biệt là kế hoạch cải cách bộ máy Chính phủ lần thứ 9 trong hơn 40 năm. Nhiều ưu tiên đã được đưa ra để giúp Trung Quốc vượt qua khó khăn sau ba năm đại dịch cùng nhiều bất ổn từ tình hình thế giới.

Lấy lại vị thế hàng đầu cho Trung Quốc

Tại Kỳ họp này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được tín nhiệm bầu làm làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ 3, trong khi ông Triệu Lạc Tế trở thành Chủ tịch Quốc hội và ông Lý Cường trở thành tân Thủ tướng…

Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV đã bế mạc tại Bắc Kinh hôm 13.3. Nguồn: Tân Hoa Xã

Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV đã bế mạc tại Bắc Kinh hôm 13.3. Nguồn: Tân Hoa Xã

Trong bài phát biểu quan trọng đánh dấu khởi đầu nhiệm kỳ thứ 3 vào ngày 13.3, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ đạt được các mục tiêu mà ông đề ra trong Đại hội Đảng lần thứ XX hồi năm ngoái là đưa Trung Quốc trở lại vị trí hàng đầu của các cường quốc.

Theo SCMP, ông cho rằng, việc cân bằng giữa phát triển và an ninh sẽ là chìa khóa để thực hiện điều này. Trung Quốc sẽ dốc toàn lực để hiện đại hóa quân đội và phát triển lực lượng Quân đội Giải phóng nhân dân thành một lực lượng bảo vệ hiệu quả các lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ không đóng cửa với thế giới và tích cực theo đuổi chủ nghĩa đa phương, cũng như đóng góp vào sự phát triển và quản lý toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc còn nhấn mạnh, chính quyền trung ương sẽ hỗ trợ cho Hong Kong và Macau phát triển kinh tế, đồng thời tích cực theo đuổi giải pháp hòa bình cho vấn đề Đài Loan, song sẽ kiên quyết phản đối nỗ lực của bất kỳ thế lực bên ngoài nào nhằm chia cắt Đài Loan khỏi Trung Quốc đại lục.

Chuyển trọng tâm sang phát triển chất lượng cao

Cũng trong ngày 13.3, tân Thủ tướng Lý Cường có cuộc họp báo đầu tiên, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự ổn định kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.

Khi được hỏi về các ưu tiên của Chính phủ, Thủ tướng cho biết, nhiệm vụ của Chính phủ là thực hiện tầm nhìn được đặt ra trong báo cáo của Chủ tịch Tập Cận Bình trong Đại hội Đảng lần thứ XX vào tháng 10.2022. Theo đó, một loạt chính sách “kết hợp” sẽ được đưa ra cho nền kinh tế vĩ mô, để kích thích nhu cầu và đầu tư, cũng như cải cách và đổi mới, đồng thời ngăn ngừa rủi ro kinh tế..

Trong họp báo, Thủ tướng Lý Cường khẳng định, Trung Quốc sẽ chuyển trọng tâm sang phát triển chất lượng cao, xây dựng công nghệ và công nghiệp xanh. Phát triển sẽ tập trung vào con người nhiều hơn, nhằm cải thiện cuộc sống của nhân dân trong các lĩnh vực từ nhà ở, việc làm đến dịch vụ y tế.

Trong báo cáo công tác của Chính phủ trong Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Trung Quốc tìm cách đưa ra một số ưu tiên cho công tác phát triển kinh tế năm nay, khi nước này phấn đấu đạt được kỳ tích hiện đại hóa.

Theo đó, ưu tiên sẽ được dành cho việc phục hồi và mở rộng tiêu dùng, khi đất nước hướng tới củng cố tăng trưởng trong bối cảnh bất ổn bên ngoài. Cố vấn chính trị quốc gia Zhou Li’an, giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, đánh giá, thị trường quy mô siêu lớn của Trung Quốc cho phép nước này khai thác tiềm năng trong nước khi những bất ổn bên ngoài xuất hiện.

Trong một hướng dẫn được công bố vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc cũng thực hiện các thỏa thuận dài hạn để mở rộng nhu cầu trong nước cho đến năm 2035, cam kết giải quyết các nút thắt cổ chai như năng lực cung ứng không đủ và khoảng cách phân phối. Các nỗ lực sẽ bao gồm nâng cao chất lượng tiêu dùng, tối ưu hóa cơ cấu đầu tư và thúc đẩy sự phát triển phối hợp giữa thành thị và nông thôn để giải phóng tiềm năng nhu cầu.

Báo cáo cũng kêu gọi đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hệ thống công nghiệp của Trung Quốc, tập trung vào các chuỗi công nghiệp then chốt trong lĩnh vực sản xuất, nhằm đạt được đột phá về công nghệ cốt lõi trong các lĩnh vực then chốt.

Trong 5 năm qua, Trung Quốc tăng gấp đôi chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản và đóng góp của tiến bộ khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế của nước này đã vượt quá 60%. Hướng tới sự tự lực lớn hơn về khoa học và công nghệ, Trung Quốc còn công bố kế hoạch tái cấu trúc Bộ Khoa học và công nghệ để phân bổ nguồn lực tốt hơn nhằm vượt qua những thách thức trong các công nghệ then chốt và cốt lõi…

Ngoài ra, trong Kỳ họp vừa qua, Trung Quốc tái cam kết tăng cường nỗ lực thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài, cam kết mở rộng tiếp cận thị trường và bảo đảm quy chế đãi ngộ quốc gia đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trung Quốc sẽ thực hiện các bước tích cực để tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định kinh tế và thương mại tiêu chuẩn cao khác…

Ưu tiên ổn định thị trường việc làm

Trong cuộc họp báo hôm 13.3, Thủ tướng Lý Cường cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên việc làm để ổn định thị trường việc làm và “lợi tức tri thức” ngày càng tăng do số năm đi học của người lao động tăng lên sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế quốc gia. Ông nhấn mạnh, việc làm là nền tảng sinh kế của người dân và cách cơ bản để giải quyết các vấn đề việc làm là phát triển kinh tế.

Theo ông, Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn về dịch vụ tìm việc và đào tạo kỹ năng, đồng thời điều chỉnh sự phát triển của các hình thức công việc mới, ví dụ như việc làm linh hoạt, trong quá trình mở rộng và ổn định thị trường việc làm.

Liên quan đến tăng trưởng âm của dân số quốc gia vào năm ngoái, Thủ tướng Lý Cường phát biểu, thật không phù hợp khi kết luận rằng “lợi tức” nhân khẩu học mà quốc gia từng được hưởng sẽ biến mất, đồng thời nói thêm rằng cần phải xem xét chất lượng dân số và sự phân bổ nhân tài của quốc gia.

“Cho đến nay, chúng ta có gần 900 triệu người trong độ tuổi lao động, mỗi năm có 15 triệu lao động mới tham gia thị trường việc làm nên chúng ta vẫn có nguồn nhân lực dồi dào”, ông lập luận. Ngoài ra, theo Thủ tướng, hơn 240 triệu người dân cả nước đã được giáo dục đại học và số năm đi học trung bình của người lao động đã đạt khoảng 14 năm.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/trung-quoc-dua-ra-nhieu-uu-tien-phat-trien-i318664/