Trung Quốc: Đưa trí tuệ nhân tạo vào lớp học

Chính phủ Trung Quốc đã đưa giáo dục trên cơ sở hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành chiến lược quốc gia, đây là một phần trong lộ trình phát triển AI nhằm đưa đất nước trở thành trung tâm toàn cầu của công nghệ AI vào năm 2030, theo kế hoạch của chính phủ được Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn hồi tháng 7.

Cất đỡ gánh nặng cho giáo viên

Đối với Peter Cao, người đã dành 16 năm làm công việc dạy hóa trong một trường THPT tại tỉnh An Huy, mỗi giáo viên giống như một “bác sĩ”.

Cao dành 2 - 3 giờ/ngày để chấm điểm, quá trình mà thầy giáo 38 tuổi ví như “chẩn đoán bệnh”.

“Bằng cách chấm bài tập về nhà của học sinh, tôi có một bức tranh tổng thể về mức độ hiểu bài” - Cao cho biết. Việc “chẩn bệnh” giúp Cao lập kế hoạch giảng dạy cho ngày tiếp theo.

Tuy nhiên, Cao cũng như 14 triệu giáo viên khác sẽ không phải mất nhiều thời gian như vậy nữa nếu chương trình của Master Learner - một doanh nghiệp khởi nghiệp - được đưa vào nhà trường.

Nói dễ hiểu thì đó là một hệ thống máy móc giống một “siêu giáo viên”, một bộ não “siêu cấp” có khả năng trả lời gần 500 triệu câu hỏi thi cấp THCS Trung Quốc cũng như ghi điểm cao trong kì thi “gaokao”, kì thi tuyển sinh đại học khốc liệt nổi tiếng thế giới, trong 30 năm qua.

Hệ AI nói trên được phát triển bởi 300 kĩ sư của Master Learner, được “huấn luyện” bằng cách mỗi ngày cho “ôn tập” 5 trăm triệu câu hỏi Toán, Vật lí và Hóa học của học sinh THCS Trung Quốc.

Trí tuệ nhân tạo tìm đường vào lớp học

“Rất khó để đạt được cả hiệu quả và chất lượng trong giáo dục. Với AI, chúng ta có thể làm được điều đó” - theo Zhang Kailei, người sáng lập và Giám đốc điều hành Master Learner. Công ty có trụ sở tại Thượng Hải này được ước tính giá trị hơn 100 triệu USD.

Công ty khởi nghiệp của Zhang là một trong nhiều công ty giáo dục trực tuyến Trung Quốc quan tâm tới việc đưa AI vào các lớp học truyền thống, tiếp cận nhiều người hơn với giáo dục chất lượng cao hơn và hiệu quả tốt hơn tại một quốc gia nơi những nguồn lực giáo dục và giáo viên tốt nhất từ trước đến nay chỉ được tiếp cận bởi những gia đình khá giả tại những thành phố lớn.

Hujiang, một trong những địa chỉ GD trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc, đang nghiên cứu công nghệ “đọc” hình ảnh khuôn mặt và giọng nói để nắm bắt được phản ứng và phản hồi trên khuôn mặt học sinh, nhằm cải thiện tương tác giữa học sinh và giáo viên trong các giờ học trực tuyến.

Ben Hu, một doanh nhân khởi nghiệp tại Thượng Hải cho biết sau nhiều năm “huấn luyện”, hệ thống AI của công ty mình có thể phân tích thói quen học tập và soạn chương trình học Anh ngữ dựa trên nhu cầu cá nhân. Công ty của Hu cũng có một ứng dụng học Anh ngữ đang hoàn thiện được gọi là Liulishuo, có thể dạy nhiều học sinh cùng lúc với chỉ một giáo viên AI - qua đó có thể giảm đáng kể học phí.

Các chuyên gia và giới kinh doanh đều nhìn nhận AI là bước đi không thể khác được nhằm phát triển giáo dục Trung Quốc, quốc gia có 188 triệu học sinh đang đi học.

“AI sẽ cải thiện ngành giáo dục Trung Quốc. Với những thay đổi trong chuyển tải kiến thức dựa trên AI, sẽ giảm chi phí và tăng hiệu quả giáo dục” - Roger Chung, quản lí cao cấp tại Deloitte Research, cơ quan chuyên phân tích về viễn thông, truyền thông và công nghệ.

Giáo dục đã nổi lên như một trong những lĩnh vực nóng nhất về ứng dụng AI tại Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu thị trường IT Juzi, giáo dục đứng hạng ba sau y tế và sản xuất ô tô trong những lĩnh vực có nhiều thay đổi nhất nhờ AI.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/trung-quoc-dua-tri-tue-nhan-tao-vao-lop-hoc-3903985-b.html