Trung Quốc gặp khó trong nỗ lực cạnh tranh với Boeing và Airbus

Tiến trình phát triển máy bay thân hẹp C919 của Trung Quốc, vốn đã bị chậm kế hoạch ít nhất là 5 năm, đang diễn ra chậm hơn dự đoán.

Tiến trình phát triển máy bay thân hẹp C919 của Trung Quốc, vốn đã bị chậm kế hoạch ít nhất là 5 năm, đang diễn ra chậm hơn dự đoán, khi Tập đoàn máy bay thương mại (COMAC) thuộc sở hữu nhà nước đang gặp một loạt vấn đề về kỹ thuật.
Viêc trì hoãn vẫn thường diễn ra trong các chương trình chế tạo máy bay phức tạp, nhưng tiến trình phát triển đặc biệt chậm chạp của C919 có thể khiến Trung Quốc lúng túng, khi nước này đã đầu tư lớn vào nỗ lực nghiêm túc đầu tiên nhằm phá vỡ vị thế của Boeing và Airbus trên thị trường máy bay toàn cầu.
Theo nhiều nguồn tin, vấn đề phát sinh gần đây nhất liên quan đến một lỗi tính toán. Các kỹ sư của COMAC đã tính nhầm các lực sẽ tác động lên cặp động cơ của máy bay trong chuyến bay, hay còn gọi là tải trọng, và gửi số liệu không chính xác đến nhà sản xuất động cơ là CFM International.

Vì vậy, động cơ của máy bay cần phải được chỉnh sửa và rất có thể COMAC sẽ phải chịu chi phí này.
Lỗi nói trên cùng với các sự cố về cấu trúc và kỹ thuật khác đồng nghĩa với việc tính đến đầu tháng 12, sau hơn hai năm rưỡi bay thử nghiệm, COMAC mới chỉ hoàn thành chưa đến 1/5 trong số 4.200 giờ bay cần thiết để được Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) cấp phép.
Ông Yang Yang, một quan chức của COMAC, hồi tháng Chín dự đoán công ty sẽ nhận được giấy phép của các cơ quan quản lý Trung Quốc trong 2-3 năm nữa. Tuy nhiên, với tình hình thiếu chắc chắn như hiện tại, không có gì đảm bảo COMAC sẽ đạt được mục tiêu 2021-2022 mà ông Yang dự đoán.
C919 được thiết kế để cạnh tranh với các dòng máy bay Boeing 737 MAX và Airbus 320neo. Sau khi Boeing và Airbus đạt được các thỏa thuận để tiếp quản hoạt động sản xuất các máy bay đối thủ của Embraer và Bombardier, COMAC hiện là lựa chọn thứ ba trên thị trường cho các dòng máy bay trên 100 chỗ ngồi.
Hầu hết các chuyên gia trong ngành dự đoán dự bùng nổ nhu cầu mang tính chu kỳ đối với máy bay thương mại sẽ dịu xuống trong năm nay, khi niềm tin kinh doanh suy giảm trước những căng thẳng địa chính trị. Điều này có nghĩa là một chiếc máy bay ra mắt vào năm 2021 hay 2022 có thể sẽ không nhận được nhiều đặt hàng trong những năm tới./.

Khánh Ly (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/trung-quoc-gap-kho-trong-no-luc-canh-tranh-voi-boeing-va-airbus/144786.html