Trung Quốc ghi nhận số lượng rào cản thương mại kỷ lục trong năm 2024

Trong năm ngoái, Trung Quốc đã phải đối mặt với số lượng rào cản thương mại kỷ lục khi ngày càng nhiều quốc gia đang phát triển tham gia vào nhóm các quốc gia bày tỏ sự lo ngại về tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc.

Dựa trên dữ liệu từ nền tảng trực thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc là China Trade Remedies Information, các đối tác thương mại của Trung Quốc đã công bố tổng cộng 160 cuộc điều tra thương mại đối với các sản phẩm sản xuất tại nước này - tăng mạnh so với 69 cuộc điều ra vào năm 2023.

Số liệu đã thống kê các tranh chấp thương mại mới được khởi xướng vào năm ngoái, không bao gồm cuộc điều tra cấp cao của Liên minh châu Âu về xe điện của Trung Quốc được công bố vào tháng 10/2023.

Tổng cộng có 28 đối tác thương mại đã tiến hành điều tra hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm ngoái, tăng so với con số 18 vào năm 2023. Đáng chú ý, danh sách này bao gồm nhiều quốc gia đang phát triển hơn, chẳng hạn như Thái Lan, Peru và Pakistan.

Liang Yan, nhà kinh tế tại Đại học Willamette cho biết, nhiều cuộc điều tra trong số này là các biện pháp phòng ngừa của các nước đang phát triển nhằm ngăn chặn sự gia tăng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, do lo ngại rằng Trung Quốc có thể chuyển hướng xuất khẩu từ Mỹ sang thị trường của họ.

"Các quốc gia như Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ tăng thuế để khuyến khích đầu tư trực tiếp liên quan đến xe điện của Trung Quốc nhiều hơn", bà cho biết.

Ấn Độ đã tiến hành nhiều cuộc điều tra nhất đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm ngoái, chiếm gần 25% số vụ việc. EU đã khởi kiện 21 vụ, tăng mạnh so với 9 vụ mà khối đã khởi kiện vào năm 2023.

Brazil đứng thứ ba về số vụ điều tra hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với 18 vụ vào năm ngoái, tăng gấp năm lần so với năm 2023, tiếp theo là Mỹ với 15 vụ.

Hầu hết các cuộc điều tra được khởi kiện kể từ tháng 4/2024, sau cáo buộc của Nhà Trắng rằng Trung Quốc đang bán phá giá năng lực sản xuất dư thừa cho các đối tác thương mại của mình.

Hầu hết các cuộc điều tra tập trung vào các vụ chống bán phá giá liên quan đến các sản phẩm từ các ngành công nghiệp như sắt và thép, cũng như sản xuất hóa chất mà có khả năng là hậu quả của tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc khi thị trường nước này chịu ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái của thị trường bất động sản.

"'Dư thừa năng lực sản xuất có thể là một lời nói quá vì việc sử dụng năng lực sản xuất và tăng trưởng doanh số bán hàng trong nước của các sản phẩm Trung Quốc không ủng hộ cho lập luận dư thừa năng lực sản xuất, nhưng chính sự cạnh tranh đã khiến giá đầu ra công nghiệp và lợi nhuận công nghiệp giảm xuống", nhà kinh tế Liang Yan cho biết.

Các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã nêu bật mối lo ngại về tình trạng dư thừa công suất vào tháng 12/2023, khi cảnh báo rằng "tình trạng dư thừa công suất trong một số ngành" là một trong những thách thức kinh tế lớn mà các nhà chức trách dự kiến phải đối mặt vào năm 2024 - một dự đoán đã được chứng minh là đúng đắn khi xét đến các cuộc điều tra thương mại gia tăng đối với Trung Quốc.

Nhà kinh tế Liang Yan cho biết, các nhà chức trách sẽ tìm cách giải quyết các tranh chấp thương mại này và ngăn chặn những xung đột như vậy trong tương lai thông qua các cuộc đàm phán, các biện pháp trả đũa, đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu và tăng cường đầu tư vào các thị trường nước ngoài sau lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào ngày 20/1 sắp tới.

"Không chắc chắn liệu ông Trump có áp dụng mức thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc hay không, nhưng tác động tiêu cực của nó không nên bị cường điệu hóa, vì thị phần xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc đã giảm xuống còn 13% và Trung Quốc đã tích cực đa dạng hóa thị trường nước ngoài và thúc đẩy nhu cầu trong nước", bà cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/trung-quoc-ghi-nhan-so-luong-rao-can-thuong-mai-ky-luc-trong-nam-2024-post361540.html